“Sau khi đọc xong chương trình giảm tải, chúng tôi khá yên tâm vì không phải dạy bù, việc ôn tập không quá tải. Học sinh vẫn đảm bảo được các kiến thức quan trọng. Với chương trình này, nếu học sinh đi học trở lại trong 1-2 tuần tới, dự kiến đến khoảng 15/6 chúng ta sẽ hoàn thành chương trình dạy học”, cô Phạm Thị Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Kim Liên, huyện Nam Đàn, cho biết.
Với chương trình Toán 12, theo thầy Phan Hoàng Thạch, giáo viên môn Toán, Trường Trung học phổ thông Bắc Yên Thành, huyện Yên Thành, cơ bản kiến thức không giảm tải nhiều. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải được một phần khó như tính tích phân phần đổi biến nhiều lần, tính thể tích khối tròn xoay do hình phẳng bởi hai đồ thị trở lên. Ngoài ra, chương trình có giảm phần chứng minh các định lý và ở phần này học sinh chỉ cần nắm được nội dung định lý. Ở các phần lý thuyết đơn giản, yêu cầu học sinh tự học có hướng dẫn.
Thầy giáo Phan Hoàng Thạch cho biết: Mới đây, Bộ đã ban hành đề cương ôn thi Trung học phổ thông quốc gia cũng như đề minh họa cho học sinh. Điều đó giúp các em định hướng và ôn thi tốt hơn.
Với bậc Trung học cơ sở, nhiều giáo viên cho rằng, chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thực sự giảm tải và đúng với mục tiêu đề ra đó là rút ngắn thời gian học từ 5 - 7 tuần, trong đó đã giảm tải các nội dung liên quan đến trải nghiệm, thực hành thí nghiệm, dự án... Ngoài ra, Bộ đã giữ lại cái cốt lõi cô đọng và không đưa vào nhiều kiến thức trong các bài thi, bài kiểm tra về sau.
Riêng về môn Tiếng Anh, bậc Trung học cơ sở của thành phố đã học chương trình Tiếng Anh thí điểm nhưng hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có nội dung giảm tải cụ thể cho môn học này. Tuy nhiên, Bộ đã có hướng dẫn về số lượng giảm 5 - 7 tuần và giảm tải cụ thể từng phần, nên hiện nay nhiều giáo viên dạy Tiếng Anh của các trường đang xây dựng chương trình cụ thể sau khi có hướng dẫn thêm của Sở.
“Với chương trình giảm tải này, khi hết dịch, các em trở lại trường sẽ không còn áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Riêng với học sinh cuối cấp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng sẽ không quá khó khăn bởi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An dự kiến bỏ môn thứ 4 và những năm gần đây, môn Tiếng Anh cũng đã thay đổi nhiều về thời lượng, hình thức làm bài thiên về trắc nghiệm, nên học sinh không có quá nhiều áp lực”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Mao, thành phố Vinh cho biết.
Với bậc Tiểu học, Bộ ban hành danh mục giảm tải từ tuần 19 đến tuần 35, trong khi đa số học sinh tiểu học ở Nghệ An đã hoàn thành tuần 21 (học nhiều hơn 1 - 2 tuần). Như vậy, học sinh Tiểu học ở Nghệ An không phải giảm tải hoặc giảm rất ít so với danh mục Bộ đưa ra.
Có thể thấy, chương trình giảm tải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trên nguyên tắc: Không thực hiện tinh giản cơ học mà đảm bảo cung cấp đủ kiến thức nền tảng, cơ bản, cốt lõi để học sinh có đủ năng lực tiếp tục học tập ở các lớp sau, cấp học sau. Ngoài ra, đảm bảo nguyên lý “bậc thang” của tiến trình học tập; không để xảy ra lỗi hệ thống ảnh hưởng đến quá trình học tập, phát triển của học sinh về sau.
Ngày 7/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục Trung học (gồm bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở yêu cầu các trường cần rà soát nội dung dạy học các môn học học kỳ II trong kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 của nhà trường để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học.
“Với chương trình này, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng sẽ thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ. Đó là: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã được hướng dẫn “không dạy”, “không thực hiện”; “không yêu cầu”, “không làm”, “không bắt buộc”; “khuyến khích học sinh tự học/đọc/làm”, ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu, sau khi đã điều chỉnh nội dung dạy học các môn học học kỳ II năm học 2019 - 2020, các trường tiếp tục rà soát lựa chọn nội dung để tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình và hình thức khác phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương. Đối với việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua nhiều hình thức như: Sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm…
Khi học sinh đi học trở lại, cần bố trí thời lượng phù hợp để thực hiện việc rà soát, ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng ở các phần học sinh đã học; dạy học nội dung chưa học và thực hiện bài kiểm tra định kỳ.