Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 quy định Quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, áp dụng từ năm 2025 để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều phụ huynh, nhà trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về quy định tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển.
Từ nhiều năm nay, các trường Trung học Cơ sở chất lượng cao công lập và một số trường tư thục có uy tín đã sử dụng phương thức thi tuyển, đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6, do tỉ lệ hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường “vượt xa” so với chỉ tiêu. Nhiều gia đình đã phải cho con ôn luyện từ rất sớm để chuẩn bị cho kỳ thi này. Do vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi nên các phụ huynh lo ngại, nếu dừng việc tuyển sinh theo hình thức thi tuyển mà chỉ xét tuyển sẽ không đảm bảo công bằng, khách quan.
Về phía các trường, đại diện nhiều trường chất lượng cao, trường tư thục chia sẻ: Khi số lượng học sinh đăng ký vào trường quá nhiều, cầu hơn cung khiến các trường khó giải quyết lượng hồ sơ này. Nếu không có phương thức tuyển sinh hợp lý rất dễ xảy ra tình trạng “đạp đổ cổng trường” hoặc xếp hàng cả đêm để nộp hồ sơ như đã từng xảy ra. Hay như việc xét tuyển bằng học bạ, các giải thưởng phụ cũng khó đảm bảo công bằng đối với học sinh và cuộc đua chạy thành tích từ các giải thưởng ngoài nhà trường cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Trước những băn khoăn này, lý giải vì sao Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT quy định tuyển sinh Trung học Cơ sở theo phương thức xét tuyển, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BGD&ĐT quy định tuyển sinh Trung học Cơ sở hằng năm theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh vào Trung học Cơ sở được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục.
Đến năm 2018, trước thực tế có một số trường Trung học Cơ sở có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT quy định “Tuyển sinh Trung học Cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Thời điểm khi ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường Trung học Cơ sở, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao thì nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với những số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai trong những năm qua, có một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký vào trường. Vai trò của việc “xét tuyển” trong phương thức kết hợp với “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.
Vì vậy, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh Trung học Cơ sở là xét tuyển cùng với quy định giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao.
Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh. Các hình thức này đã được quy định tại các Thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (theo tinh thần quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT); bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng lưu ý thêm, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường Trung học Cơ sở nào thì theo nguyên tắc của Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.
Việt Hà