Nhiều vùng nông thôn của tỉnh Tây Ninh đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với việc chung sức, đồng lòng từ chính quyền đến người dân, từng con đường bê tông được mở rộng, từng căn nhà khang trang mọc lên, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, tạo nên sức sống mới, hiện đại cho vùng quê Tây Ninh.
Bứt phá từ những con đường
Xã Tân Hội, một xã vùng sâu của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Những năm qua, nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương, hàng loạt tuyến đường làng đã được mở rộng. Đến nay, trên toàn địa bàn xã Tân Hội đã được nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa khang trang với tổng cộng 138,61km. Nhờ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương này cũng hoàn thành toàn bộ 19/19 tiêu chí với 57/57 chỉ tiêu.
Ông Hoàng Văn Hữu, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hội cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, trên địa bàn xã đã có 23 hộ dân tham gia hiến đất làm đường và xây dựng nhà văn hóa ấp.
“Với tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều tấm gương là cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường ở địa phương, nhờ đó phong trào đã lan tỏa sâu rộng đến từng hộ dân. Những con đường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng xã Tân Hội ngày càng phát triển”, ông Hoàng Văn Hữu nhấn mạnh.
Trong số đó, ông Nguyễn Văn Nhi, Trưởng ấp Hội Thanh, xã Tân Hội đã hiến hơn 196 m2 đất để mở rộng đường. Ông Nhi chia sẻ, việc gia đình tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn không chỉ giúp giao thông thuận lợi mà còn mở ra cơ hội để người dân trong ấp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Hộ bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hội An cũng là tấm gương sáng của địa phương. Năm 2023, gia đình bà đã hiến 2.000 m2 đất nông nghiệp (trị giá trên 200 triệu đồng) và ủng hộ thêm 30 triệu đồng mua đất, đá, san ủi đường để giúp nhân dân ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi. Đến đầu năm 2024, gia đình bà tiếp tục ủng hộ thêm 4.000 m2 (trị giá khoảng 450 triệu đồng) để làm hoàn chỉnh tuyến đường. Ngoài ra, gia đình bà cũng ủng hộ kinh phí lắp mới hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ nhân dân khu vực có nhiều hộ nghèo ở Tổ tự quản 5 và tổ 17 (trị giá 20 triệu đồng), góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư...
Đến nay, nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhất là các địa phương ở vùng biên giới, phong trào hiến đất làm đường cũng đã trở thành điểm nhấn trong cuộc vận động chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tây Ninh. Nhờ đó, không chỉ cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng không ngừng nâng cao, y tế, giáo dục được nâng lên. Các mô hình kinh tế nông thôn sáng tạo, bền vững được phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Thu hút đầu tư, tạo việc làm ở vùng nông thôn
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết, năm 2024, tỉnh có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh lên 68/71 xã, đạt 95,8% (bằng 100% kế hoạch). Trong đó, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 36,6% (vượt 1,4% so với kế hoạch), 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 5,6% (bằng 100% kế hoạch) và có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh và huyện Bến Cầu) đạt 44,4%.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Qua đó, phấn đấu tăng thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hướng đến cuối năm 2025 có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch đề ra). Thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 71 triệu đồng/năm. Tây Ninh cũng phấn đấu có thêm từ 20 – 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục phát triển các ngành nghề nông thôn có tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề.
Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, giai đoạn năm 2021-2024, Tây Ninh đã ban hành 12 nghị quyết, 36 quyết định, 14 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về chương trình xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức triển thực hiện. Trong đó, có 5 quyết định cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu). Đặc biệt, Tây Ninh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của địa phương nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện.
Tính đến giữa tháng 12/2024, Tây Ninh đã huy động được trên 4.657 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương là trên 428 tỉ đồng; vốn ngân sách địa trên phương 2.923 tỉ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác trên 683 tỉ đồng; vốn đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng trên 623 tỉ đồng. Nhờ đó, Tây Ninh cũng đang dần hoàn thành chỉ tiêu “phủ kín 100% quy hoạch nông thôn và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong khi đó, đến nay, Tây Ninh đã đầu tư gần 4.773 km đường giao thông nông thôn gồm: 803,8 km đường trục xã; 868,8 km đường trục ấp; 1.322 km đường ngõ xóm; 1.778 km đường nội đồng.
“Hệ thống đường giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Văn Chiến, đến nay, Tây Ninh cũng đã hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện. Trong đó, đầu tư, nâng cấp, sữa chữa 272 công trình xây dựng với tổng vốn trên 1.436 tỉ đồng. Thực hiện kiên cố hóa trên 53 km kênh, nạo vét khoảng 128 km kênh tiêu phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đảm bảo cấp nước tưới ổn định cho trên 28.520 ha (năm 2024, diện tích tưới đạt 152.125 ha, tăng thêm khoảng 3.514 ha so với năm 2021). Từ đó, góp phần tạo cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Giang Phương