Để đạt mục tiêu trên, Tiền Giang tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là công tác này chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, đồng thời gắn liền với sự lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị các cấp nhằm nâng cao đời sống nhân dân và đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển bền vững. Các sở, ngành xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương, cơ sở củng cố, nâng chất lượng từng tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Song song đó, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, tỉnh đưa Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” vào đời sống, xây dựng những dự án liên kết sản xuất với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm giải quyết đầu ra nông sản, nông dân hưởng lợi, trở thành động lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiền Giang đặc biệt quan tâm lồng ghép tốt nguồn vốn từ các Chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách địa phương để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các xã. Trong đó, tỉnh ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: Đường giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, công trình điện, nước sinh hoạt nông thôn… Tỉnh rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, bố trí đủ số lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả vai trò công tác tham mưu, điều phối của cơ quan giúp việc mà Trưởng ban Chỉ đạo cấp huyện, xã phải là Bí thư cấp ủy cùng cấp, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2019), Tiền Giang đã nỗ lực kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện. Tỉnh triển khai hiệu quả các giải pháp đồng bộ từ chỉ đạo, điều hành đến tuyên truyền, vận động, huy động nguồn vốn đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn, đưa chương trình đi vào đời sống, tạo sự đồng thuận để các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng chung sức xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm thiết thực. Toàn tỉnh đã huy động trên 52.394 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động trong cộng đồng là trên 5.771 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động khác. Cụ thể hóa chủ trương về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phát động phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, ngành và nhân dân hưởng ứng sâu rộng với những việc làm thiết thực. Nhờ vậy, đến tháng 9/2019, toàn tỉnh đã có 72 xã được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2019 nâng lên 83 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới.
Minh Trí