Tiêm vaccine giúp giảm các triệu chứng COVID kéo dài

Tiêm vaccine giúp giảm các triệu chứng COVID kéo dài

Các nhà nghiên cứu Anh gần đây phát hiện ra rằng vaccine ngừa COVID-19 dường như giúp giảm các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vẫn cần nhiều nghiên cứu mới có thể chứng minh được hiệu quả của vaccine trong việc điều trị các triệu chứng của COVID kéo dài. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí The BMJ.

Tiêm vaccine giúp giảm các triệu chứng COVID kéo dài ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Turin, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Thạc sĩ Khoa học Daniel Ayoubkhani của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh tại Newport, Wales và một số chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, trong số những người trưởng thành lần đầu nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó tiêm phòng, việc tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp giảm 12,8% nguy cơ bị COVID kéo dài, trong khi mũi 2 giúp giảm 8,8%. Xác suất này tiếp tục giảm 0,8% mỗi tuần trong 9 tuần tiếp theo.

Vào tháng 2, Cơ quan An ninh Y tế Anh đã công bố một bản đánh giá, cho thấy những người đã tiêm phòng COVID-19 ít khả năng bị các triệu chứng của COVID kéo dài và vaccine có thể hỗ trợ quá trình phục hồi từ những triệu chứng này, đối với những người đã mắc bệnh. Theo nhóm nghiên cứu, cần có bằng chứng lớn hơn về những biểu hiện đặc trưng của việc nhiễm virus SARS-CoV-2 sau tiêm phòng, qua đó tạo điều kiện cho việc đưa ra quyết định ở những người bị COVID kéo dài.

Trong khi đó, Tiến sĩ y khoa Manoj Sivan của Đại học Leeds tại England lại cho rằng nghiên cứu này chưa thể chứng minh mối quan hệ giữa vaccine và việc giảm thiểu ảnh hưởng của COVID kéo dài. Chuyên gia này nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến những người từng mắc bệnh quyết định tiêm phòng là để giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm. Những người bị COVID kéo dài cần có cuộc điều tra kịp thời, hỗ trợ phục hồi tại các cơ sở chuyên khoa, bao gồm xác định hiện tượng huyết khối, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh thực vật. Hiện vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng về cách thức vaccine giúp giảm triệu chứng COVID kéo dài.

Nhóm nghiên cứu của Ayoubkhani đã kiểm tra dữ liệu của 28.356 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18-69 tham gia Khảo sát về mắc COVID-19. Những người này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine sử dụng adenovirus hoặc công nghệ mRNA sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 46, với tỷ lệ phụ nữ chiếm 56%, người da trắng chiếm 89%. Thời gian theo dõi trung bình là 141 ngày kể từ mũi tiêm đầu tiên và 67 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai. Khoảng 25% số người tham gia có các triệu chứng COVID kéo dài ít nhất một lần trong thời gian theo dõi. 84% những người tham gia nghiên cứu đã tiêm đủ hai mũi vào tháng 9/2021.

Khoảng 17% số người tham gia bị giảm khả năng vận động ít nhất một lần trong quá trình theo dõi. Một mũi vaccine được cho là giúp giảm 12,3% xác suất bị giảm khả năng vận động do COVID kéo dài, trong khi mũi tiêm thứ 2 giúp giảm 9,1%, tiếp đó là 0,5% mỗi tuần cho đến khi kết thúc quá trình theo dõi. Không có khác biệt đáng kể về xu hướng bị COVID kéo dài giữa những người tiêm vaccine mRNA và những người tiêm vaccine dùng công nghệ adenovirus.

Điểm hạn chế của nghiên cứu bao gồm cách thức quan sát, thiếu đánh giá những nhân tố có thể tác động đến kết quả. Bên cạnh đó, sự thay đổi về triệu chứng sau tiêm phòng có thể đơn thuần chỉ là do triệu chứng COVID kéo dài tái phát hoặc tự giảm, thay vì do hiệu quả của vaccine. Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan, các tác giả cho rằng cần có thêm nghiên cứu để hiểu được vấn đề này, cũng như cơ chế sinh học khiến các triệu chứng thuyên giảm sau tiêm phòng, góp phần phát triển các phương pháp điều trị COVID kéo dài.


Đặng Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm