Khoảng 49% số trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID) sẽ phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài dai dẳng hơn 4 tháng sau khi chẩn đoán - đó là kết quả được đưa ra trong một phân tích tổng hợp từ 50 nghiên cứu thực hiện trên toàn cầu.
Trong một báo cáo được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm (The Journal of Infectious Diseases) tuần trước, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng tỷ lệ các trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 1 tháng là 37%, trong khi đó ở 25% số trường hợp, quãng thời gian này kéo dài 2 tháng và 32% số trường hợp kéo dài 3 tháng.
Những nghiên cứu nói trên được thực hiện đối với tổng cộng 1.680.003 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài, bao gồm cả những người nhập viện điều trị và không phải nhập viện.
Theo báo cáo trên, tỷ lệ trung bình của các trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài trên toàn cầu ước tính là 43%. Tỷ lệ mắc COVID kéo dài ở bệnh nhân nhập viện là 54%, trong khi tỷ lệ này ở bệnh nhân ngoại trú là 34%.
Xét theo khu vực, tỷ lệ trung bình các ca mắc hội chứng COVID kéo dài ở châu Á là 51%, tại châu Âu là 44%, 31% ở Bắc Mỹ và 31% riêng tại Mỹ. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (23%), tiếp theo là các vấn đề về trí nhớ (14%), khó thở (13%), khó ngủ (11%) và đau xương khớp (10%).
Kết quả phân tích tổng hợp cũng cho thấy tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng COVID kéo dài cao hơn nam giới (49% so với 37%), trong đó bệnh hen suyễn bẩm sinh là một yếu tố dễ dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng này.
Thanh Phương