Thực hiện đồng bộ các mũi tiêm vaccine COVID-19 nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan

Thực hiện đồng bộ các mũi tiêm vaccine COVID-19 nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.747.397 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.475 ca mắc).

Thực hiện đồng bộ các mũi tiêm vaccine COVID-19 nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan ảnh 1Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn), trong ngày 1/7 đã có 8.345 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 9.689.663 ca.

Hiện có 25 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 19 ca thở ô xy qua mặt nạ; 5 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 1 ca thở máy xâm lấn.

Từ 17h30 ngày 30/6 đến 17h30 ngày 1/7 không ghi nhận ca tử vong; đồng thời trong 7 ngày qua cũng không có ca tử vong nào.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.087 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trong ngày 1/7 có 550.359 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 232.676.319 liều, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 206.096.817 liều: mũi 1 là 71.498.540 liều; mũi 2 là 68.873.879 liều; mũi 3 là 1.511.428 liều; mũi bổ sung là 14.836.863 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 45.094.725 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 4.281.382 liều.

Tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.455.651 liều: mũi 1 là 8.998.155 liều; Mũi 2 là 8.647.053 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 810.443 liều.

Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 8.123.851 liều: mũi 1 là 5.942.269 liều; mũi 2 là 2.181.582 liều.

* Tại cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 1/7, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: như thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Ở Việt Nam, nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương nên đến tháng 12/2021, thậm chí đến tháng 2/2022, các mũi cơ bản gần như được phủ hết. Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này là đã giảm.

"Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập"- Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân nói

Yếu tố thứ hai là cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu, bởi đây cũng là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy thì có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

"Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc lại để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng"- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân cũng chia sẻ: "Thực tế có người dân băn khoăn khi mắc BA.2 thì rất nhẹ nhưng khi tiêm vaccine lại lo lắng vì bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn. Như thông tin của WHO biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Vaccine hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5".

Cũng về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Biến thể BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát. Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Tại Singapore, theo thông báo của WHO, có đến 45% các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng liên quan đến biến thể BA.4, BA.5.

"Những biến thể này lây lan nhanh hơn và tỉ lệ tử vong hay tỉ lệ bệnh nặng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đến tỉ lệ tử vong, tỉ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền"- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển nói.

Với câu hỏi đặt ra là trẻ em có nhiễm biến thể BA.4, BA.5 hay không?, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển cho hay tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc COVID-19. Với các ca bệnh khó, bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Đồng thời trẻ em là nhóm yếu thế bởi trẻ em chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi. Vừa rồi nước ta mới bắt đầu có vaccine tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, còn nhóm dưới 5 tuổi chưa có vaccine để tiêm.

"Do vậy, nếu biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, thông thường các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn"-Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.

P. V

TTXVN

Có thể bạn quan tâm