Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đàn gia súc trước tình hình mưa rét, tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và hướng dẫn người dân chủ động nguồn thức ăn, nuôi nhốt gia súc tại chuồng.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của không khi lạnh tăng cường, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có rét đậm, rét hại; nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này ở vùng đồng bằng từ 14 độ C, riêng huyện miền núi A Lưới 11 - 13 độ C.
Ứng phó với đợt rét đậm, huyện A Lưới yêu cầu chính quyền địa phương chủ động triển khai các biện pháp tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo về vật nuôi trong mùa mưa rét; hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng, chống rét cho vật nuôi, chủ động nuôi nhốt và gia cố chuồng trại. Bên cạnh đó, UBND huyện A Lưới cũng đã tiến hành hỗ trợ tôn lợp cho các hộ nghèo có chăn nuôi gia súc để tiến hành che chắn chuồng trại. Hiện, toàn huyện có khoảng 26.500 con gia súc, tập trung chủ yếu ở các xã Đông Sơn, A Roàng, Lâm Đớt, Hồng Vân.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới Văn Lập cho biết: ngành nông nghiệp huyện đã cử cán bộ về tận thôn, bản để nắm tình hình và hỗ trợ, hướng dẫn người dân chống rét cho gia súc; kịp thời thông báo diễn biến thời tiết và vận động người dân tiến hành tích trữ thức ăn, gia cố lại chuồng trại và thực hiện nuôi nhốt để giữ ấm cho đàn vật nuôi, hạn chế tình trạng gia súc chết do rét đậm rét hại. Các địa phương đã vận động người dân mua và dự trữ gần 1.000 cuộn rơm làm thức ăn cho gia súc.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có tổng đàn trâu, bò hơn 57.000 con. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi để ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Hưng cho biết, ngay từ đầu năm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống đổ ngã và đói rét cho đàn vật nuôi; trong đó, tập trung dự trữ nguồn thức ăn; gia cố, che chắn chuồng trại và vận động bà con đưa vật nuôi từ chăn thả rong về nhốt giữ tập trung tại các hộ gia đình trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại; bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống đói, rét tại các địa phương.
Ngành chăn nuôi thú y cũng phân công cán bộ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa rét; thông báo diễn biến thời tiết từ sớm để người dân chủ động các biện pháp chống đói, rét và đỗ ngã; tuyệt đối không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc. Lực lượng thú y tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, hướng dẫn xử lý chất thải vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời và chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân.
Tường Vi