Thừa Thiên – Huế: Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn đa lợi ích

Nuôi tôm trên cát ở Thừa Thiên-Huế. Ảnh :baothuathienhue.vn
Nuôi tôm trên cát ở Thừa Thiên-Huế. Ảnh :baothuathienhue.vn

Với lợi thế kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước và giảm chi phí trong quá trình sản xuất, gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn. Từ đó, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.

Thừa Thiên – Huế: Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn đa lợi ích ảnh 1Nuôi tôm trên cát ở Thừa Thiên-Huế. Nguồn:baothuathienhue.vn

Cuối năm 2018, gia đình anh Đặng Phước Hoàng, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng bằng ao tròn. Mỗi ao tròn có diện tích 500m2, phủ bạt trên khung sắt tròn, đặt nổi trên bề mặt đất cát, chi phí vật liệu xây dựng chỉ bằng 1/3 so với ao vuông. Diện tích ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý, dễ xử lý các biến động của môi trường nước. Quá trình nuôi, các loại chất thải rắn như xác tôm chết, thức ăn thừa, phân tôm… dễ dàng tụ lại giữa đáy ao, thuận tiện cho việc thu gom và xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ nuôi, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường ao nuôi.

Đến nay, với tổng diện tích 1,4 ha, gia đình anh Hoàng đã đầu tư xây dựng được 6 ao tròn với đầy đủ hệ thống máy sục khí, ống dẫn khí, máy quạt nước. Ngoài ra, còn có ao ươm giống và các ao xử lý nước và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Bên cạnh đó, để tôm phát triển tốt, gia đình anh Hoàng cũng ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm thẻ theo ba giai đoạn từ ương dưỡng đến nuôi thương phẩm. Giống tôm thẻ chân trắng sau khoảng 20 ngày ương dưỡng và theo dõi, kiểm dịch, xử lý các mầm bệnh, đảm bảo an toàn mới chuyển vào ao nuôi giai đoạn 2 từ 15-20 ngày, sau đó chuyển giai đoạn 3 nuôi thương phẩm.

Anh Đặng Phước Hoàng chia sẻ, với mô hình ao tròn không đòi hỏi nhiều nhân công chăm sóc, hạn chế quá trình sục khí… nên giảm chi phí đầu tư; đồng thời dễ dàng trong quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm; tăng được nhiều vụ nuôi trong năm so với ao vuông và hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bình quân, mỗi năm gia đình anh thu hoạch 4 mẻ, ước đạt sản lượng từ 80-100 tấn/năm, doanh thu đạt 12-15 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy những ưu điểm vượt trội của mô hình nuôi tôm ao tròn ở gia đình anh Hoàng, một số hộ dân trên địa bàn xã Điền Lộc, huyện Phong Điền đã cùng nhau liên kết đầu tư xây dựng theo công nghệ này. Từ khu nuôi tôm truyền thống ao vuông có diện tích 2 ha, tháng 4/2021 ông Hoàng Văn Nhung cùng với ông Hoàng Thanh Hùng đã quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 4 ao nuôi tôm, 2 ao ương giống, 3 ao xử lý nước và 2 mương dẫn nước để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ao tròn và thả nuôi 36 vạn tôm giống.

Ông Hoàng Văn Nhung chia sẻ: "Để nuôi tôm trong ao tròn đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã đầu tư hệ thống nuôi kín. Người nuôi trước khi vào ao đều phải mang ủng, lội qua bể chứa dung dịch thuốc tím và khử trùng tay bằng cồn 70 độ để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến bể nuôi. Phải chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ươm trong bể từ 20 - 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra bể nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ bể phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài cho mô hình này.

Theo ông Trần Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, địa phương hiện đã quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 65,4 ha; trong đó, các đơn vị, doanh nghiệp là 54 ha, diện tích còn lại 11,4 ha là của các nhóm hộ và hộ gia đình. Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn của anh Đặng Phước Hoàng, bước đầu, đã mang lại hiệu quả với thu nhập cao; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương; đồng thời, mở ra hướng đi bền vững cho nghề nuôi tôm trên cát ven biển.

Với tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên cát, những năm qua các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn ven biển, gắn liền với việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, diện tích nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh khoảng 500 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 4.500 tấn, tập trung ở huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế đánh giá, ngoài việc giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, để mô hình đạt hiệu quả cao nhất, người dân cần phải ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến như mô hình nuôi tôm ao tròn 2 đến 3 giai đoạn; công nghệ Biofloc; đồng thời quan tâm quy hoạch ao đồng bộ, chất lượng con giống, duy trì vi sinh vật có lợi, tăng sức đề kháng cho tôm, quản lý chặt chẽ thức ăn và môi trường nước.

Tường Vi

TTXVN

Có thể bạn quan tâm