Thoát nghèo nhờ nghề đan lục bình ở Kiên Giang

Tận dụng nguồn nguyên liệu là cây lục bình có nhiều ở sông, rạch, các hội viên phụ nữ ở tỉnh Kiên Giang đã tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại cây này để cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

vna_potal_hop_tac_xa_dan_luc_binh_o_kien_giang_tao_viec_lam_cho_gan_400_lao_dong_nong_thon_7559776.jpg
Hơn 7 năm đan lục bình, bà Nguyễn Thủy Giang (giữa) ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã vươi lên thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Tăng thu nhập cho lao động nông thôn

Là một trong những Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ được thành lập sớm ở Kiên Giang, đến nay, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát, ở ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (huyện Gò Quao) đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động nữ trong và ngoài xã.

Bà Trần Thị Thu Ngân, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát cho biết, hiện Hợp tác xã có 10 thành viên và nhận cung cấp khung đan, thu gom sản phẩm của hơn 300 hộ trong xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và một số xã lân cận như, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Định An, Định Hòa…

Qua hơn 7 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho khoảng 450 lao động thường xuyên. Trong số đó, có gần 20 hộ nghèo và cận nghèo đã thoát nghèo, những hộ khác vươn lên khá giả nhờ nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình.

Theo bà Trần Thị Thu Ngân, mức thu nhập trung bình của những người gia công cho Hợp tác xã từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt đối với nghề đan lục bình là nguồn nguyên liệu sẵn có nên người lao động không phải tốn thêm chi phí. Mọi người rảnh lúc nào làm lúc đó, không bị gò bó về thời gian nên gia đình nào cũng có thể tham gia.

vna_potal_hop_tac_xa_dan_luc_binh_o_kien_giang_tao_viec_lam_cho_gan_400_lao_dong_nong_thon_7559785.jpg
Bà Trần Thị Thu Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát (xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Hợp tác xã ký kết với một số công ty và được họ cung cấp khung đan, đồng thời thu gom nguồn nguyên liệu là cây lục bình, sau đó giao cho người nhận gia công. Đan xong nhân viên của Hợp tác xã đến thu gom sản phẩm. Nhiều chị em tự xuống sông, rạch cắt lục bình rồi phơi khô để làm nguyên liệu sẽ có thêm nguồn thu nhập ngoài tiền gia công sản phẩm. Vì vậy, một số gia đình có thể thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng. Đến nay, hơn 60% gia đình nhận gia công các sản phẩm đã xây nhà khang trang, đời sống nâng lên đáng kể, bà Ngân cho biết thêm.Bà Nguyễn Thủy Giang, ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc chia sẻ, nghề đan lục bình không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn tạo thu nhập để vợ chồng bà lo cho 4 người con học hành, đến nay đã ra trường có việc làm ổn định.

Vợ chồng bà đã hơn 60 tuổi, không có đất ruộng sản xuất nên nhiều năm qua gắn bó với nghề đan lục bình. Trước đây, khi các con còn học, ông bà cố gắng làm cả ngày và buổi tối, thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng mỗi tháng, đủ lo cho các con. Hai năm gần đây, mỗi ngày, ông bà dành khoảng 6-7 giờ để đan, thu nhập từ 5-6 triệu đồng, cũng đảm bảo cuộc sống, bà Giang chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nhiễn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương triển khai nhiều giải pháp, mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế như: Dạy nghề nông thôn; trao vốn, phương tiện sản xuất, cây con giống; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; vận động thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh…

Bà Nhiễn cũng cho hay, những năm gần đây, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-4% mỗi năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,6%, đến thời điểm này, xã rà soát hộ nghèo còn khoảng 2,3%. Riêng Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ là một trong những đơn vị hoạt động ổn định, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã đề xuất cấp trên tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn và kho bãi để Hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều người dân.

vna_potal_hop_tac_xa_dan_luc_binh_o_kien_giang_tao_viec_lam_cho_gan_400_lao_dong_nong_thon_7559783.jpg
Nhiều lao động nữ có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX Thuận Phát (xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Phát triển bền vững nghề đan lục bình

Tại xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, hơn 250 lao động nữ gắn bó thường xuyên với nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình.

Bà Lê Thị Kiêm Thoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (đơn vị cung ứng khung đan và thu gom sản phẩm đan từ lục bình) cho biết, năm 2017, qua phương tiện thông tin đại chúng, bà thấy nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình tại Hậu Giang mang lại thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương. Trong huyện có sẵn nguồn nguyên liệu cây lục bình dày đặc trên sông, rạch nên bà đã tìm đến học hỏi.

Bà Thoa đan các sản phẩm từ lục bình, nhiều lao động ở hai xã Phong Đông, Vĩnh Phong tìm đến học hỏi và nghề đan lục bình phát triển dần đến nay.

Hiện nay, hơn 120 lao động nữ trong và ngoài xã Phong Đông tham gia đan lục bình; trong đó có khoảng 50 người chọn đây là công việc chính hằng ngày. Với giá gia công dao động từ 10.000- 50.000 đồng/sản phẩm, những lao động làm trong lúc nhàn rỗi, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Những người làm hằng ngày thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong hoạt động của Hợp tác xã gặp khó khăn do chưa có kho bãi tập kết nguyên vật liệu và các sản phẩm; nguồn vốn còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nên rất cần sự quan tâm của cấp trên, bà Thoa chia sẻ thêm.Là một trong những người nhận gia công các sản phẩm từ lục bình hằng ngày, bà Lê Thị Đảm (ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông) cho biết, trước đây, bà đi làm thuê theo mùa vụ nên nguồn thu nhập bấp bênh. Từ năm 2019 đến nay, nhờ gắn bó với nghề đan lục bình, cuộc sống đã ổn định hơn.

Bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết, mô hình đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình trước đây chủ yếu giải quyết lao động nhàn rỗi tại nhà để cải thiện thu nhập, nâng cao cuộc sống. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ đan lục bình được thành lập giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và nguồn thu nhập tăng lên, nhiều phụ nữ chọn làm nghề chính.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp, qua nhiều năm phát triển, nghề đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình được Hội Liên hiệp Phụ nữ đánh giá cao về hiệu quả bền vững trong tạo việc làm và góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh thực hiện tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới. Nghề đan lục bình ở một số địa phương trong tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề và nghề truyền thống đã tạo việc làm đối với khoảng 8.500 lao động nhàn rỗi tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến nay đạt hơn 74 triệu đồng/người/năm trong năm 2023.

Để nghề đan lục bình nói riêng, ngành nghề truyền thống nói chung phát triển bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi; kết nối với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người lao động, bà Nguyễn Thị Hòa Hiệp cho biết thêm.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm