Hiện nay, Lai Châu đang trong giai đoạn nắng nóng cuối mùa khô, tại một số bản thuộc các xã vùng cao của tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Điều này làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tại huyện Sìn Hồ, thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở các xã Phìn Hồ, Hồng Thu, Tủa Sín Chải. Điển hình nhất là xã Hồng Thu, chưa năm nào, người dân hết lo việc tìm, duy trì nguồn nước phục vụ sinh hoạt, riêng nước sản xuất hầu như chỉ trông chờ vào nước mưa tự nhiên.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Hồng Thu nằm biệt lập trên đỉnh đồi cao, là nơi sinh hoạt, học tập của hơn 460 cán bộ, giáo viên và học sinh. Sau khi xây dựng, nhà trường được đầu tư một số trang thiết bị phục vụ công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Tuy nhiên, với số lượng học sinh bán trú đông (230 em) như hiện nay nhà trường gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Cứ đến mùa khô (từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau), nhà trường phải phân công nhiệm vụ cho thầy, cô giáo đi tìm nguồn nước ở khe suối bơm về phục vụ nấu ăn cho các em. Thiếu nước sinh hoạt thường xuyên ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Hồng Thu được xây dựng 2 bể chứa nước ngầm với tổng 35 mét khối nước. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày, thầy cô giáo và học sinh sử dụng tiết kiệm nhất cũng hết 3 - 4 mét khối nước nên chỉ hơn 10 ngày nước mưa trong bể đều cạn kiệt. Đặc biệt, mùa khô hanh này, 2 bể chứa đều trơ đáy, không có nước để bơm lên téc khiến thiết bị như chậu rửa và các công trình nhà vệ sinh, nhà tắm...đều không có nước.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước kéo dài trong mùa khô, hàng năm, nhà trường thăm dò mạch nước ở khe suối, quyên góp tiền mua máy bơm, dây điện và đường ống để bơm nước về nấu ăn cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, tại khe suối nước không nhiều nhưng lại chằng chịt các loại ống nước, máy bơm nên máy bơm của nhà trường lúc bơm được lúc không. Chưa kể sau mỗi trận mưa to đường ống ở khe suối lại bị đất, đá vùi lấp, cuốn trôi làm hư hỏng.
Thầy giáo Trịnh Hoàng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào thời gian khô hạn, nhà trường gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Đầu năm nay, nhà trường đầu tư khoan giếng nhưng hiện chưa có nước. Nhà trường mong các cấp, ngành, nhà hảo tâm giúp đỡ thầy và trò xây dựng thêm bể chứa nước phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh.
Phong Thổ là một trong những huyện khó khăn nhất về nước sinh hoạt của tỉnh Lai Châu. Trong một năm chỉ có 3 tháng mùa mưa người dân mới có nước dùng thoải mái còn lại những tháng mùa khô hanh, các hộ dân phải đi chở từng can nước ở dưới khe về dùng.
Tại xã biên giới Mù Sang, thiếu nước sinh hoạt luôn là vấn đề trăn trở của chính quyền và người dân nơi đây từ nhiều năm nay.
Toàn xã hiện có gần 600 hộ dân sinh sống ở 10 bản. Trong đó, có 7/10 bản thiếu nước sinh hoạt thường xuyên và trầm trọng. Nước là thứ thiết yếu, cần thiết nhất để đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, thiếu nước, cuộc sống của bà con vùng biên giới này càng thêm chật vật.
Anh Thào A Ki, bản Khoa San, xã Mù Sang chia sẻ, nước sinh hoạt không có, bà con phải chở từng can ở dưới khe về để dùng tạm.
Mặc dù có tới 3 bể chứa nước nhưng tại điểm trường trung tâm của Trường Mầm non Mù Sang thời điểm này vẫn thiếu nước, do ít mưa. Cô và trò nơi đây phải sử dụng nước tiết kiệm nhất có thể. Nước rửa mặt, tay chân của trẻ, các cô tận dụng để tưới hoa, cây xanh.
Cô giáo Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mù Sang cho hay, để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhà trường huy động mỗi phụ huynh mang 2 can nước, mỗi can 20 lít vào thứ 2, thứ 4 hàng tuần. Ngoài ra, nhà trường nhờ phụ huynh có xe ô tô đi ra mó nước chở những téc nước về đổ vào bể chứa để chăm sóc cho các con. Tại điểm bản, nhà trường chuẩn bị téc nước, xô chứa nước để cho các cô chứa nước mưa.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt thường xuyên của người dân xã Mù Sang là do bà con sống ở các bản trên cao so với nguồn nước nên việc dẫn nước từ vùng thấp lên vùng cao là điều khó khăn, phải dùng máy bơm. Hiện nay, có 2 bản Khoa San và Mù Sang có thể dẫn nước về, tuy nhiên, nguồn nước ít, máy bơm thường xuyên hư hỏng nên nhiều hộ dân phải đi chở từng can nước về, hứng nước mưa để dùng.
Ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch UBND xã Mù Sang nhấn mạnh, tình trạng thiếu nước trên địa bàn xã xảy ra từ nhiều năm nay. Những năm qua, xã được Nhà nước đầu tư nguồn vốn hỗ trợ téc nước và xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước. Để khắc phục thiếu nước, giải pháp của chính quyền địa phương hiện nay là tuyên truyền cho bà con vay vốn ngân hàng về nước vệ sinh và môi trường tự xây bể nước, phát triển kinh tế gia đình, tích cóp một phần kinh phí xây thêm bể chứa nước mưa sử dụng. Xã mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cấp lu, téc nước để bà con hứng nước mưa sinh hoạt hàng ngày.
Những năm qua, nhân dân xã Mù Sang nói riêng và các xã thiếu nước trên địa bàn tỉnh nói chung được hỗ trợ nhiều chương trình chính sách của Nhà nước về cấp téc nước, xây dựng các công trình cấp nước. Thế nhưng do mưa ít, mùa khô diễn ra dài ngày nên người dân không đủ nước để sinh hoạt hàng ngày. Đây trở thành bài toán nan giải với các cấp chính quyền từ nhiều năm nay. Điều mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây là có đủ nước sinh hoạt hàng ngày để họ yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Việt Hoàng - Đinh Thùy