Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng)

Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng)

Lục Khu là vùng núi cao, đặc biệt khó khăn về nước sản xuất, nước sinh hoạt của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tình trạng khô hạn kéo dài từ cuối năm 2022, nhất là từ tháng 2 đến nay đã khiến cho 7 xã Lục Khu rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây.

Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng) ảnh 1Những cây ngô đã trồng được 2 tháng ở xã Mã Ba không thể phát triển vì hạn hán. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Lục Khu là tên gọi từ xưa chỉ vùng đất thuộc 6 xã, nay đã được tách thành 7 xã (Lũng Nặm, Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên, Thượng Thôn, Mã Ba, Hồng Sỹ) của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Đây là địa bàn sinh sống của gần 18 nghìn người dân, chủ yếu là dân tộc NùngMông. Đồng thời, là một trong những vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng. Với địa hình núi cao, nơi đây hầu như không có ruộng nước, chủ yếu là nương rẫy với cây trồng chính là ngô và lạc - loại cây có tính chịu hạn cực tốt mới có thể sinh trưởng được ở đây.

Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng) ảnh 2Nhà nước đã đầu tư hơn 10.000 bể lu chứa nước cho các hộ gia đình ở các xã vùng cao huyện Hà Quảng nhưng không phát huy nhiều hiệu quả. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Để giúp dân có nước sinh hoạt, Nhà nước đã đầu tư 21 hồ vải địa, mỗi hồ dung tích 3000 m3, 255 bể nước công cộng, mỗi hồ chứa từ 200 - 300 m3 và hơn 10.000 bể lu, bể vuông trữ nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Nhờ đó, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong những năm thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, năm nay tình hình hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của gần18 nghìn người dân của 7 xã Lục Khu.

Bà Hoàng Thị Lỵ, xóm Thin Tẳng, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng cho biết, gia đình bà gieo trồng hơn 2ha cây ngô nhưng do quá hạn, cây không phát triển được. Những cây ngô đã được trồng từ cách đây 2 tháng nhưng còi cọc, chậm lớn, khô héo và không thể sinh trưởng. Hai vợ chồng bà đang phải xới từng hốc đất để trồng dặm lại những hạt giống mới bên cạnh những cây ngô còi cọc. Hy vọng sẽ có mưa để những hạt giống mới có thể bù đắp phần nào thiệt hại cho diện tích cây ngô đã bị hỏng.

Gia đình anh Đào Duy Thắng, xóm Thành Công, xã Mã Ba – một hộ thuộc diện chăn nuôi giỏi của xã cũng đang khốn đốn vì thiếu nước. Mỗi ngày, anh Thắng phải dùng xe máy đi chở nước quãng đường xa 5km để chở 400 lít nước về phục vụ sinh hoạt gia đình và cho gia súc uống. Vì thiếu nước, anh đã phải bán bớt gia súc trong chuồng cho đỡ vất vả.

Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng) ảnh 3Mỗi ngày, anh Đào Duy Thắng (xã Mã Ba, huyện Hà Quảng) phải dùng xe máy chở 400 lít nước xa 5km để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi gia súc. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Ông Hoàng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mã Ba cho biết, các bể công cộng, hồ vải địa trên địa bàn xã đã cạn hết nước, bà con phải xuống chợ Nà Giàng để chở nước về. Xóm xa nhất cách nơi lấy nước khoảng 9km, đường dốc núi, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. 

Hiện nay hơn 200 ha ngô của xã đã bị héo, cháy gần chết, bà con đang trồng dặm lại trên các diện tích ngô bị hỏng. Nếu trời sớm có mưa thì cây trồng dặm này sẽ mọc, nhưng hiện giờ đã quá vụ nên dù có mọc thì năng suất cũng rất thấp. Dự kiến vụ ngô này, bà con sẽ thiệt hại năng suất khoảng từ 60 -70%.

Không riêng xã Mã Ba gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, các xã còn lại của Lục Khu thậm chí còn khó khăn hơn. Để lấy được nước, bà con ở các xã Cải Viên, Thượng Thôn, Hồng Sỹ còn phải đi xa tới 20 – 30 km để lấy nước sinh hoạt.

Theo ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, để tháo gỡ vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng Lục Khu, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cứu trợ nước sinh hoạt cho người dân. Dùng xe téc, xe tải chở nước cho bà con. Trong đợt 1, từ ngày 22 – 27/4, huyện đã đưa được trên 220 m3 nước cho gần 1.500 hộ ở 28 xóm. Nếu trời vẫn không mưa, huyện sẽ tiếp tục chở nước cho bà con.

Giải pháp cho tình trạng thiếu nước ở Lục Khu (Cao Bằng) ảnh 4Mỗi chuyến xe máy đường xa dốc núi, anh Đào Duy Thắng (xã Mã Ba, huyện Hà Quảng) chỉ có thể chở tối đa 2 can 40 lít nước về nhà. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống công trình trữ nước, cấp nước trên các xã vùng cao. Huyện đã bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn trương trình mục tiêu quốc gia, vốn khác để thực hiện đầu tư cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, đến hết năm 2025, sẽ có thêm 28 hồ vải địa và 8 bể nước công cộng. Hiện nay một số công trình đã được khởi công, một số công trình đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư. Đến năm 2025 tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại vùng cao huyện Hà Quảng sẽ cơ bản được giải quyết…

Các biện pháp trước mắt đã được khẩn trương triển khai, người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước, tự dùng xe máy, ô tô và phương tiện khác để chở nước cho gia đình mình. Tuy nhiên, thiệt hại đối với sản xuất sẽ rất lớn. Người dân Lục khu đang rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và doanh nghiệp hỗ trợ nghiên cứu, đưa ra những giải pháp chiến lược lâu dài để người dân có thể yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm