Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh ở Đắk Lắk

Ngày 1/10, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ khởi động Dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk”.

vna_potal_dak_lak_khoi_dong_du_an_thi_diem_san_xuat_sau_rieng_ung_dung_cong_nghe_thong_minh_va_ket_hop_xay_dung_mo_hinh_vuon_mau_sau_rieng_7626611.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Ya Toan Ênuôl phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Ya Toan Ênuôl cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện đề xuất dự án, thủ tục tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại. Đến nay, Dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk” đã được phê duyệt tại Quyết định 2173/QĐ-UBND ngày 13/8/2024 của UBND tỉnh. Dự án tập trung vào các mục tiêu: ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất sầu riêng, thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng và tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng thí điểm mô hình vườn mẫu sầu riêng kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Thời gian thực hiện dự án là 18 tháng, tính từ tháng 8/2024. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 1.829,9 triệu đồng; trong đó, chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ gần 1.174 triệu đồng, đóng góp từ cộng đồng hơn 202 triệu đồng. Địa bàn thực hiện dự án tại xã Krông Nô - xã nghèo của huyện Lắk với hơn 85% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, manh mún, hạn chế trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 23% số hộ dân của xã.

vna_potal_dak_lak_khoi_dong_du_an_thi_diem_san_xuat_sau_rieng_ung_dung_cong_nghe_thong_minh_va_ket_hop_xay_dung_mo_hinh_vuon_mau_sau_rieng_7626613.jpg
Quang cảnh Lễ khởi động. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Dự án phấn đấu, đến khi kết thúc, có 200 hộ nông dân được nâng cao năng lực về liên kết phát triển kinh tế tập thể; lũy kế diện tích sản xuất sầu riêng của Hợp tác xã Thông Phong (đơn vị thụ hưởng dự án) là 40 ha. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông minh (App Nextfarm) trên 15 ha (tương ứng 10 vườn sầu riêng) để khai báo, theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, dự án phấn đấu xây dựng 10 vườn mẫu sầu riêng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, kết hợp phân loại thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp, quy hoạch vườn khoa học, cảnh quan đẹp để phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Cùng với đó, dự án cũng hướng tới hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thiết lập chỉ dẫn du lịch, thành lập Hội quán sầu riêng, đăng ký sản phẩm OCOP…

Tại buổi lễ, đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án; triển vọng của dự án và vai trò của các bên. Các hoạt động sẽ triển khai sau khi khởi động dự án gồm: tập huấn nâng cao nhận thức, tập huấn về liên kết sản xuất và ứng dụng chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành nhóm thành viên nòng cốt, chuyên gia tư vấn và hướng dẫn ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, xây dựng vườn mẫu sầu riêng, đăng ký tiêu chuẩn VietGAP…

vna_potal_dak_lak_khoi_dong_du_an_thi_diem_san_xuat_sau_rieng_ung_dung_cong_nghe_thong_minh_va_ket_hop_xay_dung_mo_hinh_vuon_mau_sau_rieng_7626610.jpg
Đại biểu thảo luận về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án, triển vọng của dự án và vai trò của các bên. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP) cho biết, qua khảo sát cho thấy, huyện Lắk còn rất nghèo, là vùng căn cứ cách mạng, giàu tài nguyên thiên nhiên song chưa được khai thác hiệu quả, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai dự án nhằm ổn định sinh kế cho người đồng bào thiểu số, lan tỏa các mô hình trong cộng đồng để cùng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển huyện Lắk.

vna_potal_dak_lak_khoi_dong_du_an_thi_diem_san_xuat_sau_rieng_ung_dung_cong_nghe_thong_minh_va_ket_hop_xay_dung_mo_hinh_vuon_mau_sau_rieng_7626609.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp ở xã Krông Nô là mạo hiểm, khó khăn, song tin tưởng rằng, chính quyền huyện Lắk cùng Hợp tác xã Thông Phong sẽ mạnh dạn ứng dụng chuyển đối số trong sản xuất sầu riêng, tận dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực quốc tế để triển khai thành công dự án, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân thật sự được hưởng lợi.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm