Ngày 24/5, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chính thức triển khai hạ thuỷ mô hình lồng HDPE nuôi biển xuống khu vực biển hở tại xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, cách đất liền khoảng 7 hải lý và phát động Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao.
Đây là lần đầu tiên ở Khánh Hòa, mô hình lồng HDPE được thí điểm tại vùng biển hở của tỉnh. Mô hình do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ ngư dân tham gia chương trình về mặt tài chính với hình thức đối ứng theo tỷ lệ phù hợp.
Chương trình nằm trong đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng.
10 hộ dân tham gia được Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ mô hình nuôi biển công nghệ cao với vật liệu HDPE, cùng hệ thống theo dõi, chăm sóc tự động hoá hiện đại. Tại buổi lễ hạ thuỷ mô hình lồng HDPE, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thả những con giống tôm hùm, cá biển đầu tiên.
Hiện đã có 3 mô hình lồng được triển khai tại vùng biển hở của thành phố Cam Ranh, bao gồm: 1 hộ nuôi cá biển và 1 hộ nuôi tôm hùm: Hệ nâng nổi HDPE gồm 6 ô lồng 4mx4m - nuôi 2 tầng thành 12 ô lồng, 1 ô lồng có thể tích 24 m3/lồng - 12 ô lồng có thể tích 300 m3.
Tại khu vực này, các lồng nuôi có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử; các mô hình nuôi sẽ được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, việc nuôi thủy sản trên vùng biển hở tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa là một bước để cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nêu rất rõ là phải phát triển bền vững kinh tế biển và trong đó chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định: "Đây là một bước đi nhỏ để vươn ra biển lớn. Đây là vùng biển hở đầu tiên mà bà con chúng ta thí điểm nuôi. Các lồng bè HDPE do Việt Nam sản xuất có cái khung lồng chắc chắn đã được nghiên cứu để phù hợp với vùng biển hở; đối tượng nuôi lồng nuôi tôm 2 tầng, vừa giảm được diện tích và vừa tăng hiệu quả năng suất".
Hiện Khánh Hòa đang thực thực hiện thí điểm để người dân thấy được hiệu quả qua những mô hình tiên phong này. Tuy nhiên, để mô hình thí điểm này được thành công và áp dụng rộng rãi thì cần phải rất nhiều cơ chế, chính sách như tín dụng phải vay với lãi suất thấp, hỗ trợ về bảo hiểm; tiếp tục tiến tới nghiên cứu những mô hình, loại hình thức ăn công nghiệp không ô nhiễm môi trường…
Hiện nay, hầu hết bà con Khánh Hòa đang nuôi ven bờ trong những vùng biển kín và sử dụng những cái phương thức nuôi trồng truyền thống, với những vật liệu và bè truyền thống gây ô nhiễm môi trường do thức ăn tươi, nguy cơ ô nhiễm rất lớn nhưng hiệu quả không cao và sức chống chịu của những cái lồng bè truyền thống với bão gió rất hạn chế.
Ngư dân Nguyễn Văn Thơ, phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh cho biết, đã có 17 năm nuôi tôm hùm, cá trên biển vơi 300 lồng tôm cá theo hình thức truyền thống. Dịp này gia đình ông Thơ được hỗ trợ 1 mô hình lồng nuôi tôm hùm HDPE. Ông Thơ đánh giá, so với mô hình truyền thống thì lồng bè HDPE chắc chắn, giúp người dân có thể theo dõi vị trí, giám sát khi thời tiết bất lợi. Nếu mô hình này hiểu quả thì sẽ giúp người dân vươn khơi, tiếp tục đầu tư.
Cùng với việc triển khai Đề án, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cho người nuôi, cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi biển hở. Đồng thời, UBND Tỉnh cũng đang xây dựng và hoàn thiện một hệ thống giám sát và quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nuôi biển hở. Hệ thống này bao gồm việc xây dựng và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về nuôi biển hở, quy định về quản lý, sử dụng vùng biển nuôi, cũng như việc xây dựng các phương án ứng phó khi có sự cố, bảo vệ môi trường biển.
Đề án không chỉ giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn đóng góp vào việc phát triển kinh tế biển của Khánh Hoà, giúp tỉnh tận dụng tốt nhất nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, Đề án cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển, qua việc áp dụng công nghệ cao, tiếp cận tiến bộ khoa học trong nuôi biển.
Hiện tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm. Ngoài ra, kế hoạch nêu rõ các giải pháp để phát triển nuôi biển về cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất; tăng cường quản lý nhà nước; ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất.
Đặng Anh Tuấn