Thị công hợp phần 5 của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Tây Nguyên

Quang cảnh Lễ động thổ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Quang cảnh Lễ động thổ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Ngày 22/8, tại Khu Công nghiệp Trà Đa (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khởi động triển khai thi công xây lắp hợp phần 5 của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên.

Thị công hợp phần 5 của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê tại Tây Nguyên ảnh 1Quang cảnh Lễ động thổ. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê của 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu là dự án thuộc nhóm B, được triển khai tại 11 tỉnh với tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Dự án gồm 5 hợp phần; trong đó, hợp phần 5 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên được triển khai tại 2 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.

Dự án này được xem là bước tiếp nối sau thành công của dự án VnSAT, với nhiều kỳ vọng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vươn tầm trong xu thế hội nhập mới.

Tại Gia Lai, có 2 hạng mục được triển khai gồm: đường giao thông (với 6 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê chiều dài 12,43 km, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023) và công trình nhà kho kết hợp trưng bày sản phẩm (diện tích 158m2, quy mô 2 tầng, mái kiến trúc kiểu nhà rông được xây dựng tại Hợp tác xã Đăk Roong, xã Đăk Roong, huyện Đak Đoa).

Phát biểu khai mạc lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Gia Lai và Đắk Lắk là vùng trọng điểm trong phát triển cây công nghiệp, chiếm đến 49% tổng sản lượng của cả nước. Việc triển khai hợp phần 5 tại Gia Lai và Đắk Lắk nhằm mục đích hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

"Dự án cũng góp phần kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, các hợp tác xã; theo đó, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất; áp dụng đồng bộ các tiến bộ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê; gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao chất lượng cà phê cung ứng ra thị trường", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm