Thầy giáo truyền cảm hứng làm nông nghiệp công nghệ cao

Thầy giáo truyền cảm hứng làm nông nghiệp công nghệ cao

Những trái ngọt đầu tiên từ mô hình trồng dưa lưới giống Nhật theo công nghệ cao của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Đông Thái (42 tuổi), ngụ ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho thấy, khi có sự đam mê, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm dù ở lĩnh vực gì, con đường dẫn tới thành công không quá xa.

Đến thăm khu nhà trồng dưa lưới của vợ chồng anh Nguyễn Đông Thái (công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận) và chị Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Vĩnh Bình Nam), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những khu nhà kính hiện đại, bên trong là hàng nghìn cây dưa lưới sai trĩu quả đang chờ ngày thu hái.

Có được mùa vụ bội thu như hiện nay, anh Thái phải tìm hòi, học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia, lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, người lớn tuổi, nhất là tự mình tìm ra giải pháp mới trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Đầu năm 2020, anh có dịp lên huyện Hòn Đất. Thấy có người trồng dưa lưới trong nhà kính, anh đam mê theo đuổi từ đó. Để triển khai mô hình này, anh tới Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi, sau đó được một công ty ở đây chuyển giao công nghệ.

Từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân 300 triệu đồng của Hội Nông dân huyện cùng vốn tích lũy, anh đã đầu tư những ngôi nhà trồng dưa lưới đầu tiên. Anh áp dụng các công nghệ trồng dưa lưới chuyển giao từ công ty cung cấp. Tuy nhiên, các công nghệ này chỉ thích hợp cho vùng đất ở miền Đông. Do vậy, khi mua công nghệ, anh phải tự tìm tòi, chỉnh sửa lại để phù hợp với vùng đất tại địa phương.

Nhờ kiến thức tích lũy trong trường sư phạm, anh đã tính toán, lập trình các phương pháp tưới nước, bón phân sao cho phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng. Khi đã lập trình theo ý mình, hệ thống sẽ tự vận hành, không ảnh hưởng đến công việc của hai vợ chồng tại cơ quan. Đến kỳ thu hoạch hay trồng mới, anh chị thuê khoảng ba lao động làm theo mùa vụ. Anh Thái cho biết, dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 75 - 80 ngày.

Không phụ công người, lần thử sức đầu tiên, vợ chồng thầy giáo ở vùng nông thôn sâu này đã thành công. Vườn dưa phát triển tốt, trung bình mỗi trái dưa lưới nặng khoảng 1,5 - 2 kg, giá xuất bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Mỗi vụ dưa, anh Thái thu về khoảng 4 tấn, trung bình được 200 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 100 triệu đồng.

Anh Thái cho biết, để trồng dưa lưới thành công cần có 4 yếu tố: Diện tích đất, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và sự năng động, tâm huyết, chịu khó học hỏi... Nếu thiếu một trong các yếu tố đó, việc trồng dưa lưới sẽ dễ thất bại. Dưa lưới là loại cây khó tính, việc chăm sóc phải đúng khoa học kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng giai đoạn phát triển. Về chi phí sản xuất, đối với đầu tư cố định ban đầu, chi phí bình quân khoảng 800 triệu đồng/1.000 m2 (gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, dây leo…) và chi phí sản xuất mỗi vụ bình quân khoảng 100 triệu đồng/vụ/1.000 m2. Hiện anh đã mở rộng được 3 nhà, mỗi nhà 1.000 m2 để tiếp tục phát triển mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận cho biết, đây là hình thức trồng mới xuất hiện tại địa bàn huyện. Từ thành công ban đầu của anh Nguyễn Đông Thái, cùng chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đã đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ trong nông dân, thế hệ trẻ mà cả trong cán bộ, công nhân viên chức địa phương.

So với các mô hình khác, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Thái quy mô không lớn nhưng thể hiện tư duy sản xuất mới, có sự liên kết giữa các khâu và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp. Cách nghĩ, cách làm của anh đang lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều người ở nông thôn. Hiện nay, anh Thái đã chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới của gia đình đến một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Hòn Đất. Hy vọng, với những người đam mê, nghiêm túc, mạnh dạn như Nguyễn Đông Thái sẽ tạo nên bức tranh tươi mới trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang nói chung, huyện vùng sâu Vĩnh Thuận nói riêng.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm