Bà Rịa-Vũng Tàu xúc tiến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được trưng bày tại hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được trưng bày tại hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ngày 14/1, tại thành phố Bà Rịa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Bà Rịa-Vũng Tàu xúc tiến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được trưng bày tại hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thu hút đầu tư với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về khả năng liên kết, hợp tác. Từ đó, tiến tới hình thành một mạng lưới liên kết các vùng nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, giới thiệu các chính sách ưu đãi, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng Đề án 04-ĐA/TU về phát triển UDNNCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Sau 4 năm thực hiện, đề án đã tạo được sự lan tỏa phát triển các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô toàn tỉnh.

Hiện, hầu hết các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp đều có áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, đã có 65 doanh nghiệp với 66 dự án đăng ký xin chủ trương đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao vào tỉnh với tổng diện tích đất các nhà đầu tư đề nghị là 2.956,49 ha. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân đạt gần 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh có kế hoạch chuyển đổi khoảng 287,46 ha diện tích đất đang trồng cây cao su cho hiệu quả thấp chuyển sang đầu tư trồng một số cây trồng ứng dụng công nghệ cao như Công ty Cổ phần cao su Bà Rịa 83 ha, Công ty Cổ phần cao su Thống Nhất 204,46 ha.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp người dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản...Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc nhân rộng mô hình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Ca cao Thành Đạt, huyện Châu Đức chia sẻ, việc thiếu quỹ đất tập trung là một trong những hạn chế lớn để phát triển tỉnh đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi, thời gian để các doanh nghiệp thuê đất ngắn, trong khi vốn đầu tư lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ, khiến nhiều doanh nghiệp không muốn mạo hiểm đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn, trong khi đó, hiện mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn. Các thủ tục hành chính vẫn còn khá rườm ra khiến doanh nghiệp và người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay…

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đã giải đáp những thắc mắc, ghi nhận những ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cho biết thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh một số chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bà Rịa-Vũng Tàu xúc tiến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao nhà màng tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Trong đó, một số chính sách như Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND về chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Triển khai chính sách tín dụng về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại, công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trong phát triển mạnh mẽ.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư….

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã giới thiệu một số mô hình NNUDCNC hiệu quả có khả năng triển khai được trên địa bàn tỉnh như áp dụng phun thốc bảo vệ thực vật bằng Drone; sử dụng vật liệu thân thiên môi trường trong nuôi trồng thủy sản, nuôi mực trong môi trường tự nhiên kết hợp du lịch sinh thái ở vùng biển Côn Đảo….

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm