"Thao thức" với hoa Buôn Ma Thuột

"Thao thức" với hoa Buôn Ma Thuột
Anh Phan Văn Định (khối phố 9 - phường Tân An) chăm sóc vựa hoa cúc đại đóa để bán Tết.
Anh Phan Văn Định (khối phố 9 - phường Tân An) chăm sóc vựa hoa cúc đại đóa để bán Tết.
Một sáng cuối năm, trong không khí tất bật của nhà vườn, tôi vào thăm vựa hoa của ông Nguyễn Chúc (khối phố 8 - phường Tân Tiến) với gần 1 mẫu hoa cúc, lay ơn… đang được thúc giặm lại chờ bung ra bán Tết năm nay. Ông cho biết,  cũng như mọi năm, các loại hoa truyền thống này là sản phẩm chủ lực của gia đình, còn giống hoa mới thì chưa nghĩ tới. Mà đâu phải riêng gia đình ông, cả vùng hoa ở đây vẫn thế - cứ theo lối cũ mà trồng và bán. Với hoa, ông Chúc đã gắn bó từ lâu và xem đó là nghề kiếm sống quanh năm chứ không riêng gì dịp Tết, có năm được giá, ông thu về cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, qua tâm sự của lão nông này, tôi nghe ra sự thao thức với hoa vẫn chưa khuây khỏa.

Nỗi thao thức ấy là giống mới và công nghệ mới trồng hoa. Ông Chúc cũng như nhiều nhà vườn ở Buôn Ma Thuột cho rằng, hai yếu tố ấy là “hai cái cũ kỹ nhất” của người trồng hoa ở đây. Được biết, phần lớn các giống hoa truyền thống như cúc, hồng, lay ơn, huệ… đã dần thoái hóa về các tiêu chuẩn như màu sắc, kích cỡ, hình dáng và cả thời gian sử dụng… Không ít nhà vườn bảo do giống hoa bị lai tạp, không thuần chủng nên thế, không được bằng nơi khác. Ví như ở xứ hoa Đà Lạt chẳng hạn, ngoài lợi thế về điều kiện thời tiết, khí hậu được thiên nhiên ưu đãi ra, tất cả nhà vườn đều tìm cách “cập nhật” giống hoa mới và công nghệ, kỹ thuật trồng trọt để cạnh tranh trên thị trường. Điều mà người trồng hoa ở Buôn Ma Thuột quan tâm quả thật không sai. Tôi đã từng sống và chứng kiến nỗi thăng trầm cùng hoa Đà Lạt từ những thập niên 90 về trước. Người trồng hoa ở thành phố được mệnh danh “ngàn hoa” này cũng đã có lúc lao đao vì sự vượt trội về giống hoa cũng như kỹ thuật trồng trọt tiên tiến của các công ty nước ngoài đến từ Hà Lan, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ… Hoa của họ phong phú, mới mẻ về chủng loại, cộng thêm được trồng trong nhà kính với hệ thống tưới phun, thu hoạch, đóng gói bằng máy móc hiện đại nên chất lượng hơn hẳn hoa ở các nơi khác. Những làng hoa nức tiếng một thời như Vạn Thành, Xuân Thọ, Trại Mát… trở nên “lép vế” trước những trang trại hoa của các ông chủ ngoại quốc đến đầu tư tại đây. Những nông hộ trồng hoa Đà Lạt lúc đó cũng băn khoăn giống như người trồng hoa ở Buôn Ma Thuột bây giờ. Hoa làm ra chỉ để tiêu thụ loanh quanh trong vùng, xa hơn thì những mối quen ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng hay các tỉnh Tây Nguyên. Cứ tưởng rằng hoa ở xứ này “thất thủ”, may mà các nhà vườn đã ngồi lại với nhau, liên kết nguồn lực, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp địa phương nên dần lấy lại vị thế cho cây hoa Đà Lạt. Và những năm gần đây, ở vùng đất “ngàn hoa” ấy đã hình thành nhiều trang trại hoa nội địa có tầm cỡ để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Bước lớn mạnh đó, càng vững khi Công ty Hasfarm (Hà Lan) hợp tác, liên kết với người trồng hoa Đà Lạt cùng nhau sản xuất, tiêu thụ và hưởng lợi.

Vựa hoa gia đình ông Nguyễn Chúc (khối phố 8, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) được vào chậu bón thúc, tưới nước chờ bán trong dịp Tết.
Vựa hoa gia đình ông Nguyễn Chúc (khối phố 8, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) được vào chậu bón thúc, tưới nước chờ bán trong dịp Tết.

Tất nhiên trong câu chuyện này, nhiều hộ trồng hoa mà tôi gặp ở Buôn Ma Thuột thừa nhận một điều: Đà Lạt là xứ hoa, người trồng hoa đã đạt đến “đẳng cấp” nhất định. Hơn nữa, đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn và chiến lược của họ (như cây cà phê Buôn Ma Thuột của mình vậy) nên người nông dân từng gắn bó với hoa được chính quyền địa phương sát cánh và “tiếp sức” tối đa. Nhờ thế họ sống được với nghề và đặc biệt là không bao giờ tỏ ra đơn độc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Còn ở Buôn Ma Thuột, cây hoa đến nay chưa được xác định là hàng hóa có thế mạnh thật sự, thành ra mối quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương, trực tiếp là ngành nông nghiệp chưa có gì đáng kể. Người trồng hoa tự mày mò, tìm kiếm con đường đi của mình. Cũng nói thêm rằng, về phía người nông dân, do họ biết được đất đai, thời tiết và khí hậu ở Buôn Ma Thuột nói riêng và cả Đắk Lắk nói chung không thuận lợi lắm nên không mấy ai dồn sức để “sống chết” với hoa. Vì thế chưa có trang trại trồng hoa nào quy mô, bề thế. Chủ yếu các nông hộ ở đây trồng hoa để bán Tết, ngày thường thì vài ba sào hoa truyền thống để bỏ chợ cho người mua về thắp hương vào ngày rằm, mồng một… Anh Phan Văn Định (khối 9 - phường Tân An) bộc bạch: “Nhiều lúc cũng muốn mở rộng cơ sở trồng hoa - không được nhà kính thì nhà lồng, bơm tưới bằng máy, thuê nhân công để làm, nhưng nghĩ lại cũng thấy phiêu phỏng quá nên thôi”. Anh cho biết đã có nhiều lần cùng bạn bè trong nghề sang Đà Lạt học tập kinh nghiệm, sưu tập giống hoa mới đang được thị trường ưu chuộng như sao chổi, bạch cúc, ngàn sao, cát cẩn, tím la lan, phi yến… đem về nhân giống với quyết tâm thay đổi các giống hoa truyền thống. Song, do điều kiện tự nhiên như đã nói, cộng thêm công nghệ, kỹ thuật trong tay không có gì nên không thể biến giấc mơ trở thành hiện thực được, đành quay lại với mấy sào hoa cúc, huệ, lay ơn như cũ.

Tuy nhiên, theo nhiều người trồng hoa ở Buôn Ma Thuột, dù không bằng xứ hoa Đà Lạt, nhưng nghề trồng hoa ở đây không phải là không có cơ hội, điều kiện để phát triển trở thành nguồn hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao như Sa Đéc (Đồng Tháp), Huế hay Hội An (Quảng Nam)… một khi nó được quy hoạch và có sự quan tâm đầu tư thật sự của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mình, dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng vùng quanh đô thị Buôn Ma Thuột hiện nay.
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm