Thành phố Sa Đéc có một "ngân hàng từ thiện"

Thành phố Sa Đéc có một "ngân hàng từ thiện"
Năm 2007, nhận thấy nhiều hội viên hưu trí có đủ sức khỏe nhưng hoàn cảnh lại khó khăn, không có vốn để làm kinh tế, Hội cựu giáo chức thành phố Sa Đéc quyết định tổ chức thành lập “Quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế không tính lãi” với nguồn vốn ban đầu chỉ hơn 81 triệu đồng . Đến nay, từ nhiều nguồn hỗ trợ, nguồn vốn của Quỹ đã tăng lên trên 200 triệu đồng, giải quyết cho trên 200 lượt hội viên được mượn vốn phát triển kinh tế gia đình. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet


Với điều lệ của Quỹ, các hội viên được giải ngân từ 5 - 10 triệu đồng/trường hợp, thời gian giải ngân là 12 tháng. Hết thời hạn này, người mượn sẽ được Hội giải ngân lần 2, lần 3,… nếu có nhu cầu. Tất cả các lần hỗ trợ, Hội đều không tính lãi. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên cử người đến hỗ trợ trong việc tính toán phương thức sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng lượt vốn được hỗ trợ xoay vòng trị giá hơn 450 triệu đồng. 

Với vai trò là người quản lý nguồn Quỹ, thầy Nguyễn Văn Mốt, Chủ tịch Hội cựu giáo chức thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đa phần các cựu giáo chức cần vốn là những trường hợp giáo viên chỉ lãnh lương hưu một lần, lại bệnh tật... nên rất khó khăn. Trong 12 tháng, các thầy cô có thể linh động trong cách hồi vốn. "Nói 12 tháng, nhưng thực tế có nhiều trường hợp chỉ cần vốn trong vòng 3 - 6 tháng là đã hoàn tất việc trả lại vốn cho Hội”. 

Cô giáo Huỳnh Thị Ngôn năm nay 57 tuổi (cựu giáo viên Trường tiểu học Hòa Khánh, thành phố Sa Đéc), hiện ở khóm 3, phường 1, thành phố Sa Đéc cho biết: Cô là một trong những trường hợp cựu giáo chức đầu tiên được hỗ trợ từ "ngân hàng từ thiện". Đến nay, qua 4 lần viết đơn đề nghị, cô đã được giải ngân 16 triệu đồng (4 triệu/lần giải ngân). Gặp cô đang lúc bày biện trái cây giữa chợ chiều Sa Đéc, cô kể, những tháng giữa năm 2007, đứa con trai thứ hai đậu vào trường Cao đẳng kinh tế - tài chính Vĩnh Long, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, nên gia đình cô không có tiền đóng học phí cho con. May mắn được Hội cho vay không tính lãi 4 triệu đồng, cô giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt (2 triệu lo học phí cho con trai, 2 triệu làm vốn mua trái cây của các hộ gia đình ra chợ Sa Đéc bán). Sau gần 10 năm từ ngày khó khăn tưởng như không thể vượt qua, giờ đây con cái của cô đã ăn học thành tài, riêng cô cũng có kinh tế ổn định với sạp trái cây có tiếng nhất nhì tại chợ. Cô tâm nguyện rằng, "giờ thì có thể an hưởng được tuổi già, nhưng cố gắng làm kinh tế để làm từ thiện, chung tay với Hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình trước đây mà không cần phụ thuộc vào con cái". 

Một trường hợp khác là cô Trần Xuân Nguyệt, cũng là hội viên Hội cựu giáo chức thành phố Sa Đéc, ngụ tại phường Tân Quy Đông, được hỗ trợ 6 triệu đồng để mua vật tư nông nghiệp, cây giống (giống mai tứ quý) cho người con trai của cô Nguyệt (anh Trần Hồng Xuân Minh Châu, 36 tuổi) trồng trên mảnh vườn nhỏ trước nhà. Đến nay, anh Châu không còn phải đi làm thuê, làm mướn ở các vựa cây trồng như trước mà chuyên tâm chăm sóc cây cảnh để bán cho thương lái nhân dịp mỗi độ xuân về. 

Mặc dù, nguồn quỹ còn khiêm tốn nhưng mục đích và cách thức hoạt động, chính là điều kiện để phát huy tinh thần tương thân, tương ái của cựu giáo chức. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.

Có thể bạn quan tâm