Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử

Tối 16/2 (mùng 5 Tết Nguyên đán Tân Sửu), Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hoá kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2021) tại Công viên Tao Đàn với chủ đề “Xuân về trên đất nước rồng bay” trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 232 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử ảnh 1Tiết mục “Hiển vinh Lạc Hồng” do Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm cùng các ca sĩ và các nhóm ca thể hiện. Ảnh: Long Hồ

Chương trình sân khấu hoá “Xuân về trên đất nước rồng bay” quy tụ sự tham gia của hơn 100 diễn viên, ca sỹ, vũ công, nhạc sỹ... đến từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh.

Các nghệ sỹ đã cùng phối hợp biểu diễn 15 tiết mục ca, múa, kịch được dàn dựng bài bản, sáng tạo, đầy tính thẩm mỹ và đậm nét văn hoá truyền thống dân tộc; trong đó, có 9 nghệ sỹ, ca sỹ cùng thể hiện nhân vật Nguyễn Huệ qua các trích đoạn khác nhau, gồm các ca sỹ Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, Thế Vỹ, nghệ sỹ Vũ Luân, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Trọng Nghĩa, Minh Trường và 5 nữ nghệ sỹ hoá thân nhân vật công chúa Ngọc Hân, gồm Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Tú Sương, Mỹ Hằng, Lê Hồng Thắm, Nhã Thy, Ánh Ngọc.

Với 4 chương gồm: "Tây Sơn Tam Kiệt", "Áo vải cờ đào", "Vương triều Tây Sơn – Binh hùng tướng mạnh" và "Đất nước rồng bay", chương trình được tổ chức một mạch cảm xúc liên tục, đi vào phát triển, phân tích và ca ngợi những đức tính cao cả của người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đặc biệt, đi sâu vào đặc tả cái “Tài”, cái “Tâm”, cái “Đức” mà ông để lại cho dân tộc hơn 230 năm lịch sử.

Trong đó, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc được tái hiện sinh động qua các trích đoạn, tiết mục như: “Hiển vinh lạc hồng” (sáng tác: Holly Thắng); “Áo vải cờ đào” (sáng tác: Hoàng Song Việt, Minh Ngọc); “Vang mãi khúc quân hành mùa xuân” (sáng tác: Minh Ngọc); hoạt cảnh võ thuật “Tây Sơn miền đất võ” (dàn dựng: Quốc Thịnh); hoạt cảnh múa-kịch “Vó ngựa xâm lăng - Lưỡng đầu thọ địch” (dàn dựng: Hồ Khanh)...

Năm nay, phần âm nhạc tiếp tục do hai nhạc sỹ đã đồng hành cùng chương trình nhiều năm là Thanh Liêm và Đạt Kìm phụ trách, cùng lời vọng cổ và bài bản cải lương do soạn giả Hoàng Song Việt, Phạm Văn Đằng sáng tác đã toát lên tinh thần hào hùng của mùa xuân lịch sử mà hàng năm cứ vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, mọi người dân Thành phố mang tên Bác lại bồi hồi nhớ lại một trang sử vàng hào hùng, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ được tái hiện lại qua chương trình nghệ thuật kỷ niệm.

Diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố đã tổ chức chương trình sân khấu hoá trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh; hạn chế tối đa đại biểu, khán giả đến xem trực tiếp; thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn thường xuyên cho các nghệ sỹ...

Nghệ sỹ ưu tú Lê Trung Thảo, đạo diễn chương trình cho biết, sau 232 năm, hào khí của ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789 xưa vẫn không thôi thúc giục. Từ chiến thắng lịch sử của quân đội Tây Sơn, non sông thu về một mối, đã đánh dấu một mốc son chói ngời của lịch sử chủ quyền và độc lập dân tộc. Từ đó, lưu danh người anh hùng Nguyễn Huệ áo vải cờ đào mà làm nên đại nghĩa; vị hoàng đế chân đất ấy cũng chính là người đã xóa đi cái ranh giới Đàng Trong, Đàng Ngoài đã in hằn qua hai thế kỷ...

Theo Nghệ sỹ ưu tú Lê Trung Thảo, thông qua các tiết mục nghệ thuật của chương trình, tập thể các nghệ sỹ, ca sỹ mong muốn làm “sống lại” những chiến công hiển hách của cha ông cùng những thành tựu của đất nước hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những kết quả từ quá trình không ngừng ra sức phấn đấu và phát triển toàn diện của Thành phố Hồ Chí Minh để cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của phát triển và hội nhập.

Đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh đã vào xuân, dù đang gồng mình chiến đấu trước đại dịch COVID-19, nhưng tiết trời cũng như lòng người đang tràn ngập niềm hân hoan, hy vọng và tin tưởng. Những trang sử vẻ vang của dân tộc rồi đây sẽ được nối dài, tiếp bước cha ông tạo nên dáng hình đất nước, tạc vào lịch sử thế giới một tượng đài của một dân tộc Việt Nam anh hùng, yêu hòa bình, ghét chiến tranh, trọng nhân nghĩa./.

Hồng Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm