Cùng với vai trò đầu tàu kinh tế, tăng trưởng của các tỉnh, thành phố phía Nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm văn hóa của cả nước với những nét đặc sắc lâu đời. Đời sống văn hóa của thành phố ngày càng phong phú, đa dạng thông qua việc ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ của khoa học công nghệ đòi hỏi ngành văn hóa thành phố phải “thay da đổi thịt” để phát triển một cách bền vững.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết "Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện chiến lược phát triển văn hóa" với những điểm sáng, cũng như tồn tại; chiến lược, định hướng của thành phố trong việc xây dựng, phát triển văn hóa trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của thành phố.
Bài 1: Không ngừng đa dạng các hoạt động văn hóa
Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung mọi nguồn lực cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật theo hướng dân tộc, cách mạng, tiến bộ, góp phần xây dựng nhân cách, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiều tác phẩm sân khấu, âm nhạc và các công trình nghiên cứu lý luận văn hóa, văn học nghệ thuật... đã tạo dấu ấn đậm nét. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tạo bước chuyển quan trọng để văn hóa thành phố phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, sâu rộng.
Đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn tiên phong với nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, sôi động và có sáng tạo, đổi mới. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, trung bình mỗi năm Thành phố tổ chức khoảng 50 lễ hội, sự kiện chính trị, văn hóa và sự kiện đối ngoại. Các hoạt động trên được tổ chức hiệu quả, đa dạng, phong phú, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, du khách như: Liên hoan Nghệ thuật dân gian, Liên hoan Múa rối Việt Nam, Ngày hội Văn hóa đọc, Liên hoan Ảo thuật đường phố, Lễ hội Ánh sáng…
Văn học nghệ thuật tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, lan rộng. Hoạt động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư có trọng tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều khuynh hướng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật lành mạnh, tích cực được phát huy. Sản phẩm văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng, phong phú về loại hình và đề tài, góp phần tích cực xây dựng nhân cách, bồi đắp tâm hồn con người, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân thành phố.
Các hội văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt hơn việc tập hợp văn nghệ sĩ, hướng dẫn, động viên họ bám sát thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là thực tiễn đổi mới của thành phố, tạo được nhiều tác phẩm có giá trị, giúp nhân dân được tiếp cận nhiều cái mới, lạ của văn hóa, khoa học thế giới.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Ca Lê Thuần cho rằng, vượt qua những khó khăn ban đầu, đội ngũ gần 5.000 văn nghệ sĩ hoạt động tại các Hội văn học - nghệ thuật chuyên ngành đã đóng góp khối lượng lớn tác phẩm, duy trì tích cực đời sống tinh thần cho nhân dân.
Theo đó, đội ngũ sáng tác thơ trẻ tạo nên dấu ấn trong đời sống văn học, mang đến những tác phẩm có tính giáo dục về truyền thống lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc. Đây còn là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học và người dân phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, hiến kế xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa
Thành phố chú trọng xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bám sát định hướng mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu vực dân cư và các giai tầng xã hội.
Từ chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, thành phố chủ động hơn trong việc xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, góp phần phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Hàng năm, qua các ngày hội về gia đình Việt Nam với nhiều chuỗi hoạt động phong phú, nhân dân thành phố cũng quan tâm, tìm hiểu kiến thức về gia đình, thi nấu ăn và sinh hoạt chuyên đề nhân ngày “Gia đình Việt Nam”, “Quốc tế hạnh phúc”... tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình với nhau, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nâng chất, triển khai nghiêm túc, hướng hoạt động về cơ sở, phát huy tính chủ động của mỗi người dân, mỗi gia đình, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Chỉ đạo các quận trên địa bàn thành phố thực hiện đa dạng nhiều hoạt động tuyên truyền như: Phát hành phim tư liệu, đĩa CD, tờ rơi, băng- rôn; tổ chức tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề và Hội thi “Thực hiện văn minh đô thị và văn hóa giao tiếp ứng xử trong đời sống cộng đồng”.
Theo đó, 95% các hộ gia đình được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; 100% khu phố xây dựng và thực hiện tốt quy ước cộng đồng; có tổ tự quản hoạt động thường xuyên; mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, không có khiếu kiện đông người, vượt cấp, trái pháp luật...
Nhằm đẩy mạnh phong trào, nhiều mô hình hiệu quả về xây dựng nếp sống văn minh đô thị được nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia như: “Ô khu vực tự quản an ninh trật tự”, “Đường phố không rác”, “Câu lạc bộ Bờ kênh xanh”, “Chung tay vì người nghèo”… Mô hình phố đi bộ Bùi Viện; biểu diễn âm nhạc dân tộc trước Bưu điện thành phố… đã tạo điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa.
Hướng tới xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành các hoạt động thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" và “Kế hoạch chiến lược phát triển gia đình Việt Nam”. Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng được tập trung chỉ đạo và quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân ngoại thành.
Sớm khơi thông các "điểm nghẽn"
Tuy thành phố đã có sự quan tâm đến hoạt động phát triển văn hóa nhưng do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành văn hóa, nghệ thuật hiện đại cũng như công tác bảo tồn các di tích, công trình văn hóa vẫn còn hạn chế. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghệ thuật, thành phố vẫn chưa có công trình thiết chế văn hóa nào đạt chuẩn quốc tế về biểu diễn nghệ thuật, mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố, đáp ứng yêu cầu giao lưu, hội nhập văn hóa, nghệ thuật quốc tế. Cùng với đó, dưới sức ép của làn sóng hội nhập văn hóa thế giới, sân khấu truyền thống cải lương hay hát bội - đặc sản của Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào thế bị động.
Trên phương diện người làm về văn hóa, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vương Thạch nhận định, thành phố đã đánh mất nhiều thời cơ để có những thiết chế văn hóa hiện đại, đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại. Nhằm phục vụ nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân thành phố, việc có một công trình đạt chuẩn về biểu diễn là rất cần thiết và cấp bách, bởi đó còn là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương.
Các di tích văn hóa ở thành phố đều có bề dày lịch sử gắn liền với những nét đặc trưng nhất của người dân Nam Bộ, nhưng thành phố hiện vẫn chưa có quy hoạch tổng thể và cụ thể với các di tích, di sản văn hóa tương đồng nhằm xác định giá trị, kế hoạch tu bổ, phối hợp khai thác một cách phù hợp.
Mặt khác, các di tích văn hóa đang hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố như Địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà… lại nằm ở khu vực ngoài trung tâm thành phố, dẫn đến mất cân đối, chênh lệch trong quá trình phát huy giá trị của từng di tích, di sản.
Về phía cơ quan quản lý, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh Trương Kim Quân cho rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn hoặc di sản văn hóa không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là các công trình địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học… Thời gian qua, Thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp trong giải quyết các dự án tu bổ di tích. Tuy nhiên, vẫn còn các công trình mà chủ sở hữu hoặc người trực tiếp sử dụng công trình chưa đồng thuận./. (Còn tiếp)
Thu Hương
Bài 2: Trở thành trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước