Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế sáng tạo cho hiệu quả cao

Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế sáng tạo cho hiệu quả cao

Thanh Hóa hiện có nhiều mô hình sinh kế cho hiệu quả cao đang được người dân triển khai, giúp họ vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng an toàn của anh Hoàng Anh Tú ở thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung và mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lê Văn Chinh ở xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa. Không những giúp cải thiện đời sống người dân nông thôn mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế sáng tạo cho hiệu quả cao ảnh 1Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Anh Tú khởi nghiệp từ việc nuôi gà thịt và nuôi lơn trên diện tích đất của gia đình hồi năm 2015 nhưng liên tục thua lỗ. Tới năm 2019, anh Tú đã quyết định vay thêm nguồn vốn để thực hiện mô hình chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng. Theo đó, tập trung đầu tư xây dựng chuồng nuôi gà giống theo kiểu chuồng sàn, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa mưa, sau đó lắp đặt thêm hệ thống phun sương bằng nước sạch để làm mát cho gà.

Đồng thời, nhập 1.000 con gà giống khỏe về chăn nuôi tập trung tại các dãy chuồng, lắp đặt vòi nước tự động để cung cấp nước uống, cũng như lắp đặt hệ thống quạt làm mát quanh chuồng trại, trần nhà được lắp đèn chiếu sáng, cài đặt tự động theo giờ để kích thích gà đẻ trứng,

Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế sáng tạo cho hiệu quả cao ảnh 2Gà Ai Cập đẻ trứng được nuôi trong trang trại của anh Hoàng Anh Tú (thứ 2 phải sang), thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo anh Tú, nuôi gà cần tuân thủ đúng quy trình, thường xuyên theo dõi, chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp cho gà phát triển và tiêm vaccine định kỳ và dùng nguồn thức ăn cho gà đảm bảo thành phần dinh dưỡng để gà đẻ trứng đều và cho chất lượng trứng tốt. Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường và xử lý chất thải để đàn gà phát triển tốt mà không bị dịch bệnh, bằng cách áp dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh trong chăn nuôi gà an toàn sinh học, phun sát trùng thường xuyên nên đàn gà không mắc bệnh.Vì vậy, mặc dù nuôi với số lượng lớn nhưng khu vực chuồng nuôi không hề có mùi hôi.

Sau 5 tháng nuôi lứa đầu tiên, đàn gà sinh trưởng tốt và cho những quả trứng đầu tiên, cho hiệu quả kinh tế cao. Tới nay, trang trại của anh đang có 4 khu chuồng nuôi với 7.000 con gà đẻ trứng, mỗi ngày xuất bán ra thị trường 5.000 quả trứng với giá từ 2.400-2.600 đồng/quả.

Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế sáng tạo cho hiệu quả cao ảnh 3Trứng gà Ai Cập. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện mỗi năm, doanh thu từ chăn nuôi gà đẻ trứng của anh Tú đạt 2 tỷ đồng, anh cũng tạo việc làm cho 2-5 lao động với mức lương từ 3-7 triệu/người/tháng. Sản phẩm trứng gà của anh Tú có màu sắc trứng đẹp, tỷ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon nên được các tiểu thương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa về thu mua đem đi tiêu thụ.

Theo ông Vũ Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Mô hình chăn nuôi gà Ai Cập đẻ trứng an toàn của anh Tú đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đây cũng là tấm gương đi đầu trong khởi nghiệp tại địa phương".

Cũng đã thoát nghèo trên mảnh đất quê hương, anh Lê Văn Chinh ở xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa đã khởi nghiệp bằng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi thủ công, lại thiếu kinh nghiệm nên đàn chim chậm lớn, tuy nhiên anh vẫn kiên trì chăn nuôi. Theo anh Chinh, trong 3 năm đầu chăn nuôi, anh chỉ phát triển con giống và không bán chim ra thị trường. Khi đảm bảo tốt về con giống anh luôn vệ sinh chuồng trại để chim mới phát triển tốt, anh cũng sử dụng cám ngô để làm thức ăn cho chim mỗi ngày 2 lần, nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật nên chim bồ câu pháp mái sau 5 tháng bắt đầu đẻ trứng. Trung bình 4 ngày chim đẻ 2 trứng, mỗi con đẻ 8 lứa/năm.

Nhờ chịu khó, tới nay, anh đã xây dựng thành công một trang trại chăn nuôi với 1.500 đôi chim bồ câu Pháp, hiện mỗi tháng anh bán từ 800-1.000 con chim bồ câu Pháp thương phẩm với giá 75.000-80.000 nghìn đồng, thu nhập mỗi năm đạt 400 triệu đồng. Sản phẩm chim bồ câu Pháp và trứng của anh luôn đảm bảo an toàn với sức khỏe người dùng và được nhiều tiểu thương, đại lý nhập về tiêu thụ.

Thời gian tới, anh Chinh cho biết sẽ mở rộng quy mô trang trại và chăn nuôi 3.000 đôi chim bồ câu, duy trì mỗi tháng xuất ra thị trường 1.500 con; đồng thời, hỗ trợ người dân quanh vùng chuyển giao khoa học kĩ thuật mới trong chăn nuôi để thực hiện theo mô hình này.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lê Văn Chinh có quy mô lớn đây cũng là gương thanh niên luôn đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này ra địa bàn, cũng như hướng dẫn các hộ dân có nhu cầu phát triển kinh tế bằng nuôi chim bồ câu Pháp các kĩ thuật mới để chăn nuôi có hiệu quả.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm