Thanh Hóa chủ động các biện pháp ứng phó với sạt lở đất, đá khu vực miền núi

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt... đặc biệt là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất tại các huyện miền núi, Thanh Hóa luôn chủ động các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

vna_potal_thanh_hoa_sat_lo_nghiem_trong_tren_tuyen_quoc_lo_15_doan_qua_huyen_muong_lat_7556786.jpg
Đất đá nằm ngổn ngang trên tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua xã Trung Lý (huyện Mường Lát). Ảnh: TTXVN phát

Nguy cơ sạt lở đất, đá trong mùa mưa lũ

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, trong đêm 25, rạng sáng 26/8, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động như Mường Lý (huyện Mường Lát) là 78.8mm; Trung Sơn (Quan Hóa) 39.6mm... Mô hình độ ẩm đất (Seaffgs) cho thấy hiện trạng lượng nước tích lũy trong đất của một số khu vực thuộc các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn đã gần đạt bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.

Mưa nhiều ngày qua cộng thêm cơn mưa lớn kéo dài đã khiến km 88+780 trên tuyến Quốc lộ 15C (đoạn qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát) bị sạt lở nghiêm trọng. Một khối lượng đất, sỏi trên đồi tràn qua taluy dương và chắn ngang đường khiến nhiều phương tiện không thể lưu thông qua vị trí này. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Mường Lát, mưa lớn đã làm sạt lở 9 điểm trên quốc lộ 15C, đoạn từ bản Khằm 1 đến bản Táo của xã Trung Lý. Ước tính tại các điểm sạt lở trên quốc lộ 15C đoạn qua xã Trung Lý đang có hàng trăm mét khối đất đá tràn xuống mặt đường.

Đáng lo ngại, nhiều đoạn phía taluy dương của Quốc lộ 15C đang bị xói mòn khiến mặt đường có nguy cơ bị nứt gãy, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ngay trong đêm 25/8, UBND huyện Mường Lát và UBND xã Trung Lý đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, di dời hàng chục hộ dân ở khu vực bị sạt lở đất đá và có nguy cơ sạt lở tại bản Khằm 1, bản Táo đến nơi tạm trú an toàn. Đồng thời, địa phương tổ chức cắm biển báo, bố trí lực lượng thường xuyên chốt chặn tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để cảnh báo cho người và phương tiện khi lưu thông qua cung đường này.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa cho biết: Ngay trong sáng 26/8, ngành giao thông đã điều động nhân lực, máy móc, phương tiện để khắc phục sự cố, tổ chức san gạt, xử lý, vận chuyển đất đá tại các điểm sạt lở trên Quốc lộ 15C, đoạn qua xã Trung Lý để thông xe tuyến đường này trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ ở huyện Mường Lát, tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh... hiện tượng sạt lở đất, đá cũng diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chỉ tính riêng trong đợt mưa từ ngày 23-25/7, nhiều tuyến đường txảy ra sạt taluy dương, đá lăn... với khối lượng khoảng 6.350m3, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi. Mưa lũ cũng làm cho 39 nhà dân ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa bị ảnh hưởng, hư hỏng. Các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước... đã phải chủ động sơ tán 166 hộ/896 khẩu sinh sống trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, đá đến nơi an toàn.

vna_potal_thanh_hoa_sat_lo_nghiem_trong_tren_tuyen_quoc_lo_15_doan_qua_huyen_muong_lat_7556792.jpg
Sạt lở nghiêm trọng trên quốc lộ 15C, đoạn qua xã Trung Lý, huyện Mường Lát khiến các phương tiện chưa thể lưu thông. Ảnh: TTXVN phát

Chủ động phòng tránh

Theo rà soát của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Mường Lát, ở huyện hiện có 45 điểm dân cư với hơn 4.000 nhân khẩu (781 hộ) sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá. Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động triển khai nhiều phương án, kế hoạch để ứng phó theo cấp độ rủi ro của thiên tai. Trong đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khi xảy ra mưa lớn, các xã, thị trấn phải thường xuyên thông báo các vị trí ven sông, suối, sườn đồi núi có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời.

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến đầu tháng 8/2024, tỉnh còn 6.603 hộ/28.237 nhân khẩu của 121 xã, phường, thị trấn/17 huyện, thị xã đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá. Để chủ động phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức diễn tập để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh. Trong kế hoạch phải phân loại và thống kê cụ thể số hộ, số khẩu sống trong khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để tiến hành di dời ngay. Đối với các hộ, số khẩu sống trong khu vực có nguy cơ phải chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi có thiên tai xảy ra.

Các địa phương, đơn vị có liên quan đã cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để người dân có ý thức chủ động phòng tránh; đồng thời, cắt cử người hướng dẫn người dân và phương tiện giao thông đi qua ngầm, tràn trên sông suối khi có mưa, lũ. Các ngành có liên quanđẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sắp xếp, ổn định dân cư đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt là Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025) để người dân có nơi ở an toàn, yên tâm sản xuất....

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm