Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet |
Ông Nguyễn Đức ở thôn Đức An, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, trước đây đã dành toàn bộ đất đai của gia đình để trồng cây cao su với hy vọng cây “vàng trắng” một thời của người dân phía Tây huyện Bình Sơn sẽ giúp gia đình ông vượt qua nghèo khó, đổi đời. Nhưng ước mơ ấy đã không thành hiện thực, bởi giá bán mủ cao su luôn biến động, không đủ bù chi phí, công sức bỏ ra khai thác mủ, nên ông Đức quyết định phá bỏ một số diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng cây tiêu. Ông Đức cho biết: Mặc dù giá tiêu cũng lên xuống thất thường, nhưng nếu mình chăm sóc tốt, năng suất cao thì vẫn cho thu nhập ổn định. Ông so sánh, thu nhập từ 1 sào (500m2) tiêu bằng cả 1 ha keo, vì keo trồng 4-5 năm mới được thu hoạch, còn tiêu trồng một lần thu hoạch được trong nhiều năm. Hiện gia đình ông đã trồng được hơn 6 sào, tương đương 300 trụ tiêu, trong đó hơn 2 sào đang cho thu hoạch.
Ông Đức không dùng trụ gỗ cho tiêu leo mà đúc trụ bê tông, hoặc xây gạch khá chắc chắn; phía trên ông làm giàn phủ bạt để che sương, nắng, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước phun sương. Hội Nông dân xã Bình Minh cũng đã khuyến khích, hỗ trợ cho bà con phát triển cây tiêu vì nhận thấy mô hình khá hiệu quả.
Trong khi nhiều gia đình ở các xã khu Tây của huyện Bình Sơn đang thành công với mô hình trồng tiêu, thì các xã ven biển như Bình Thạnh, Bình Hải, Bình Phú của huyện lại được ngành nông nghiệp huyện đầu tư trồng thử nghiệm giống hành, tỏi Lý Sơn, mở ra hướng đi mới cho nông dân. Chị Phan Thanh Chi, xã Bình Hải, chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 sào đất cát, trước đây chỉ biết trồng rau lang, đậu. Nhưng 2 năm nay được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn nên tôi đã trồng thử cây hành, tỏi. Mặc dù ban đầu chưa quen với loại cây mới, năng suất còn chưa cao, nhưng so với những giống cây trồng trước đây thì thu nhập cao hơn nhiều.
Bên cạnh chọn cây giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp huyện Bình Sơn còn đầu tư cho một số hộ nông dân nuôi hươu sao thử nghiệm để nhân ra diện rộng. Tháng 10/2016, huyện trích ngân sách 340 triệu đồng, cử cán bộ khuyến nông ra tỉnh Hà Tĩnh mua 34 con hươu sao giống về cấp hỗ trợ cho 17 hộ ở 3 xã Bình An, Bình Khương và Bình Minh, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con hươu sao giống. Đáng chú ý là huyện Bình Sơn không chọn hộ nghèo, mà chọn hộ có điều kiện về lao động, am hiểu về sản xuất, kinh doanh nhưng thiếu vốn để hỗ trợ. Với cách làm đó, số hươu giống trên đều phát triển tốt, hiện đang cho lộc.
Ông Võ Phú Mười, xã Bình Minh cho biết: Hiện tôi nuôi 5 con hươu gồm 4 con hươu cái sinh sản và 1 con hươu đực lấy lộc; sau hơn 2 tháng chăn dắt hươu đực cho lộc đầu tiên. Nuôi hươu sao có ưu điểm là nguồn thức ăn dễ hơn nuôi bò, lợn. Gia đình tôi sẽ tiếp tục theo đuổi, phát triển mô hình này.
Đa số các hộ nông dân đã thấy được hiệu quả đem lại từ việc nuôi hươu, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư mua thêm con giống về nuôi. Hiện nay ở huyện Bình Sơn, hộ nuôi nhiều nhất là 6 con, hộ nuôi ít là 2 con; nâng tổng số đàn hươu của huyện lên hơn 100 con. Với nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có, lại dễ tìm kiếm; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp; cùng với việc chăm sóc chu đáo, đúng qui trình của các hộ nuôi, nên hầu hết đàn hươu đều phát triển tốt.
Ông Võ Đình Trà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn, cho biết: Những mô hình thành công, cho năng suất cao sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, đồng thời huyện sẽ chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm cho nông dân.
Hy vọng với đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, sản lượng cao, những năm tới ngành nông nghiệp huyện Bình Sơn sẽ có bước phát triển mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đinh Thị Hương