Mô hình sản xuất chè an toàn của Hợp tác xã Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Dự kiến, đến hết năm 2019, toàn tỉnh tiếp tục nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 101 xã, đạt tỷ lệ 70% số xã nông thôn trên địa bàn; bình quân các xã nông thôn đạt 16,5 tiêu chí nông thôn mới /xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 3 tiêu chí so với năm 2015, không còn xã có dưới 6 tiêu chí nông thôn mới....
Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn ở Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn. Tất cả các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm… Tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được hơn 8.000 km đường giao thông nông thôn; trong đó, xây mới hơn 3.300 km, cải tạo, nâng cấp trên 4.600 km...
Đường giao thông nông thôn mới đưa vào sử dụng tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp và xây dựng mới được 420 km kênh mương thuỷ lợi do xã quản lý, xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản “trắng” chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia.
Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, Thái Nguyên đã xóa được hơn 2.200 nhà tạm, dột nát, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,53 lần so với năm 2010, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 20,57% (năm 2010) hiện xuống còn dưới 6 %, hàng năm, tạo việc làm tăng thêm cho trên 15.000 người...
Từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2012 - 2019 các địa phương bố trí trên 81 tỷ đồng hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất có quy mô, ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị và có khả năng nhân rộng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và các dự án, đề án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các mô hình…
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã nông thôn mới Tân Đức, huyện Phú Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Gần đây, Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019-2025”, bước đầu chọn lọc được 172 sản phẩm đặc sản địa phương, mang đặc trưng vùng miền, có lợi thế so sánh, có tính độc đáo, có thể trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao... Qua thống kê sơ hộ, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên trong 10 năm qua đã đạt trên 21.300 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng bằng lòng với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thái Nguyên chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho các xã chưa đạt chuẩn, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao…
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2% /năm trở lên../.
Hoàng Thảo Nguyên
TTXVN