Với mục tiêu tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao cao hơn 20% so với những năm trước và tăng tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi lên hơn 90%, đồng thời loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhằm kiểm soát và đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Trần Thị Dậu, ở xóm Khe Vàng 1, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, sống bằng nghề trồng và chế biến chè truyền thống. Theo giấy mời của Trung tâm y tế xã Phú Đô, chị đến để được khám sàng lọc bệnh lao. Tại đây, chị Dậu cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đi khám lao. Lần trước may mắn không mắc bệnh lao nên lần này nhận được giấy mời, tôi xuống khám cho yên tâm, đảm bảo sức khỏe. Có sức khỏe tốt tôi mới chăm sóc được gia đình và bản thân. Vả lại, đi khám bệnh còn được hỗ trợ tiền khám và xăng xe nên mình và nhiều người trong xóm cùng rủ nhau đi”. Không chỉ riêng chị Dậu, trong các ngày từ 3/9 đến 23/9, gần 6.700 người dân của 15 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Lương được khám sáng lọc miễn phí bệnh lao.
Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: “Đây là năm thứ 2 chương trình khám sàng lọc bệnh lao được tổ chức tại địa phương. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về bệnh lao được xã triển khai từ rất sớm, vì vậy người dân tham gia nhiệt tình”. Đặc biệt, khi đến khám, người dân được hỗ trợ 69.000 đồng chụp phim X-quang và 10.000 đồng tiền xăng xe. Giá trị tiền hỗ trợ không nhiều nhưng góp phần khuyến khích người dân tham gia chương trình.
Năm 2020, được sự hỗ trợ tích cực của Chương trình phòng chống lao quốc gia, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện: Đồng Hỷ; Phú Lương; Định Hóa tổ chức khám miễn phí cho gần 21.000 người dân. Những người đến khám đều là người có nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, được đội ngũ Trung tâm y tế xã và lực lượng y tế thôn bản tiến hành rà soát trước đó. Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho biết: “Năm 2020, Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã hỗ trợ cho Bệnh viện 1 xe chụp X-quang lưu động và nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm, khám và điều trị bệnh. Qua đó, việc phát hiện người nhiễm lao trong cộng đồng được thuận lợi và có hiệu quả hơn rất nhiều”.
Tại địa bàn huyện Phú Lương, chương trình đã phát hiện 10 trường hợp bị bệnh lao và nhiều trường hợp tổn thương nghi lao trên phim chụp X-quang, đang được tiếp tục xét nghiệm để chẩn đoán lao âm tính.
Trước đó, tại địa bàn huyện Đồng Hỷ, chương trình đã thực hiện khám cho 7.000 người và phát hiện 10 trường hợp bị bệnh lao, trong đó có 1 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc (là trường hợp vi khuẩn lao không chỉ kháng một mà nhiều loại thuốc chống lao, khiến nguy cơ tử vong cao). Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thị Thu Tiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho biết: “Việc khám sàng lọc kèm chụp X-quang vùng ngực không chỉ phát hiện bệnh nhân nhiễm lao mà còn phát hiện ra nhiều trường hợp mắc các bệnh khác như viêm phổi, u phổi…; giúp cho người dân biết được tình trạng sức khỏe của mình để kịp thời điều trị”. Theo kế hoạch, trong tháng 10, chương trình khám sàng lọc bệnh lao miễn phí sẽ được tiếp tục triển khai tại 24 xã của huyện miền núi Định Hóa.
Mặc dù lao là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để hoạt động phòng, chống lao ở tuyến cơ sở phát huy hiệu quả tích cực, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh lao. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lao, ngoài các biện pháp chuyên môn, rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng về công tác phòng, chống và điều trị bệnh để góp phần khống chế và tiến tới đẩy lùi bệnh lao.
Thu Hằng