Việt Nam quyết tâm chấm dứt bệnh lao (Bài 2)

Việt Nam quyết tâm chấm dứt bệnh lao (Bài 2)
Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Để thúc đẩy các quốc gia đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao, các nguyên thủ quốc gia đã cùng nhau đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Việt Nam đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nhân Ngày thế giới phòng chống lao 24/3, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết nhằm phản ánh những khó khăn, thách thức ở Việt Nam trong công tác phòng chống lao, cũng như các hành động cần thiết để tiến tới loại bỏ căn bệnh này trong xã hội.
Bài 2: Việt Nam đã hội đủ yếu tố để hoàn thành mục tiêu cam kết toàn cầu

Hiện nay, Việt Nam đã hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Đây là đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia.

Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Nhiều thay đổi tích cực

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: Lao là căn bệnh truyền nhiễm đã có từ rất lâu, nếu không có hành động cụ thể thì sẽ không thể ngăn chặn, đẩy lùi được căn bệnh này. Do vậy, trong khoảng 10 năm gần đây, Chương trình Chống lao Quốc gia đã đưa ra một chiến lược gồm 4 đổi mới: Tư duy, công nghệ, tiếp cận và đầu tư. Trong đó, đổi mới tư duy là đổi mới quan trọng nhất, quyết định cho các đổi mới khác tiếp theo. Đổi mới tư duy không phải chỉ là tư duy, nhận thức của người dân, mà còn cả tư duy, nhận thức của các lãnh đạo, những người hoạch định chính sách.

Ông Nguyễn Viết Nhung cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chấm dứt bệnh lao năm 2019 chính là sự thay đổi rất lớn của các cấp lãnh đạo. Ngay cái tên của Ủy ban đã cho thấy sự thay đổi về tư duy khi nêu rõ nhiệm vụ là chấm dứt bệnh lao. Ủy ban ra đời là dấu mốc quan trọng nhất, thể hiện sự cam kết của hệ thống chính trị Việt Nam với mục tiêu chấm dứt bệnh lao; là nền tảng cho chương trình phòng chống lao; huy động sự ủng hộ của quốc tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thời gian qua còn cho thấy sự thay đổi của cả hệ thống y tế (cả y tế điều trị và y tế dự phòng). Đến nay, toàn quốc đã có 51 bệnh viện chuyên khoa, trong đó 48 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể nhanh chóng áp dụng tốt tất cả các kỹ thuật can thiệp mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Mạng lưới phòng, chống lao đã phủ kín toàn quốc đến xã phường, thôn bản; triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm và điều trị thành công lao nhạy cảm thuốc, lao kháng đa thuốc, (tiền) siêu kháng thuốc, bắt đầu mở rộng điều trị lao tiềm ẩn… Các nhóm nguy cơ cao đều đã được thí điểm can thiệp hiệu quả như lao trong trại giam, lao đái tháo đường, nhóm thợ mỏ, nhóm bệnh mạn tính, nhóm có HIV, nhóm nghiện chích...

Hiện nay, nước ta còn có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh với Trung tâm hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước, quốc tế; xây dựng được chiến lược nghiên cứu và các ưu tiên quốc gia về nghiên cứu, đổi mới. Việt Nam cũng đã tiến hành những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu, hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ, được đăng tải trên nhiều tạp chí thế giới...

Đồng thời, Việt Nam cũng có hành lang pháp lý khá đầy đủ để tiến tới chấm dứt bệnh lao như: Nghị quyết Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng, chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015 - 2020"...

"Chìa khóa" mở cánh cửa chấm dứt bệnh lao

Thời gian qua, Chương trình chống lao quốc gia của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến có sự góp sức của công nghệ, khoa học  kỹ thuật. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị hiệu quả. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng, đạt hiệu quả cao tại Việt Nam gồm có: Kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao bằng máy GeneXpert, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật nuôi cấy nhanh và các thuốc mới: Bedavuline, Delamanid, Rifampentine…

Đặc biệt, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (XQuang để sàng lọc các hiện tượng nghi lao và Xpert để chẩn đoán vi khuẩn lao) nhằm phát hiện chủ động bệnh lao đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Chiến lược này đã cho thấy hiệu quả cao và là "chìa khóa" cơ bản trong tiến trình chấm dứt bệnh lao ở nước ta.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung cũng cho rằng, việc đổi mới công nghệ như kỹ thuật chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh lao sẽ là "chìa khóa" để mở cánh cửa chấm dứt bệnh lao. Các thiết bị kỹ thuật cho tới thời điểm này rất hiện đại. Nếu trước kia, người bệnh phải chờ 2-3 tháng để xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao bằng soi kính hiển vi thì ngày nay với kỹ thuật Xpert tiên tiến, chỉ cần 2 tiếng là có kết quả. Đặc biệt, kỹ thuật này sẽ nhanh chóng đánh giá được mức độ của bệnh, có kháng thuốc hay không.
Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế trong công tác phòng chống lao. Trong đó có 27 chiếc xe Xquang di động đi đến khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần tích cực vào tầm soát sớm các trường hợp nhiễm bệnh. Hiện Việt Nam cũng đã có hơn 200 điểm làm Xpert và cơ chế vận chuyển mẫu để có thể xét nghiệm được nhiều nhất số người mà chương trình tiếp cận.

Tuy nhiên, khi tiến hành việc chụp Xquang cho tất cả người dân ở mọi miền Tổ quốc cũng nảy sinh khó khăn là thiếu nguồn nhân lực để đọc phim. Chương trình phòng, chống lao quốc gia đã đề xuất và nhận được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu một loại máy sử dụng trí tuệ nhân tạo, giúp đọc phim Xquang, tránh bỏ lọt trường hợp mắc bệnh...

Việt Nam từ một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu, cũng như có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, Việt Nam đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong phòng, chống lao ở cộng đồng.
Minh Huệ
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm