Việt Nam quyết tâm chấm dứt bệnh lao (Bài 1)

Việt Nam quyết tâm chấm dứt bệnh lao (Bài 1)
Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Để thúc đẩy các quốc gia đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao, các nguyên thủ quốc gia đã cùng nhau đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Việt Nam đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nhân Ngày thế giới phòng chống lao 24/3, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết nhằm phản ánh những khó khăn, thách thức ở Việt Nam trong công tác phòng chống lao, cũng như các hành động cần thiết để tiến tới loại bỏ căn bệnh này trong xã hội. 
Bài 1: Vượt qua các thách thức để đẩy lùi bệnh lao vào năm 2030

Lao là một trong những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng và nhiều khả năng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Trong những năm qua, công tác phòng, chống lao đã được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống y tế phòng, chống lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động hiệu quả; tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (92% đối với người mới mắc lần đầu); tình trạng lây truyền lao kháng thuốc tiên phát trong cộng đồng từng bước được khống chế. Mặc dù vậy, công tác phòng chống lao vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục.

Bác sĩ Trần Ngọc Pháp thăm hỏi, động viên bệnh nhân lao đang điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Bác sĩ Trần Ngọc Pháp thăm hỏi, động viên bệnh nhân lao đang điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Dịch tễ lao giảm nhưng chậm

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Nếu không được chữa trị, hàng năm mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung cho biết, dịch tễ bệnh lao nước ta thời gian qua có chuyển biến tốt nhưng mức độ giảm còn chậm, đạt trung bình 3,8%/năm, trong khi yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2017-2025 là 9%/năm; giai đoạn 2025-2030 là 15%/năm. 

Tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam giảm chậm một phần là do lao phổi kháng đa thuốc chưa được kiểm soát tốt. Mặt khác, sự thiếu hụt về nhân lực làm công tác chống lao; thói quen tự chữa bệnh không cần thầy thuốc; ý thức chủ động phòng, chống và điều trị bệnh của người dân, sự quan tâm, vào cuộc của cộng đồng còn thấp… là những nguyên nhân khiến số người mắc lao ở Việt Nam vẫn còn cao.

Những năm qua, công tác phát hiện nguồn lây còn gặp nhiều khó khăn do hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh ở một số nơi còn hạn chế vì đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng bệnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; việc cung ứng sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, cung ứng Xpert xét nghiệm chẩn đoán bị gián đoạn dẫn đến việc sàng lọc và phát hiện hạn chế. Đặc biệt, xã hội vẫn còn kỳ thị bệnh nhân lao, dẫn đến người mắc thường giấu bệnh…

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung cho rằng, cần thay đổi tư duy của cộng đồng để không còn sự kì thị với người mắc lao. Người mắc lao không có lỗi nhưng việc giấu bệnh thì không chỉ có lỗi với bản thân mà còn có lỗi với những người xung quanh và cộng đồng. Ngoài ra, việc người bệnh giấu bệnh sẽ kéo theo nhiều hậu quả khó lường. Tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến tổn thương nặng trên cơ thể và phổi bệnh nhân, sẽ mất nhiều thời gian để chữa trị. Bên cạnh đó, giai đoạn không chữa bệnh chính là khoảng thời gian người mắc bệnh lao có thể lây truyền bệnh cho người khác, nhất là những người bên cạnh. Người mắc lao hoàn toàn có thể là “chiến sĩ”, nếu họ "chiến đấu" tốt sẽ góp phần khống chế, không để lây bệnh sang cộng đồng. Do đó, cộng đồng cần hỗ trợ người bệnh lao chứ không nên kì thị họ.

Ông Nguyễn Viết Nhung cũng cho rằng, để giảm nhanh dịch tễ lao, cần áp dụng tối ưu các công cụ hiện có với bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội cũng như áp dụng công cụ mới, thuốc mới, vaccine mới và tiếp cận mới, điều trị lao tiềm ẩn.
Bác sĩ Trần Ngọc Pháp (bên phải) là người đi tiên phong trong việc áp dụng những phương pháp mới trong điều trị bệnh lao ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN
Bác sĩ Trần Ngọc Pháp (bên phải) là người đi tiên phong trong việc áp dụng những phương pháp mới trong điều trị bệnh lao ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Giải quyết các thách thức

Bên cạnh khó khăn do dịch tễ lao còn cao, Chương trình Chống lao Quốc gia còn gặp 2 nhóm thách thức. Đó là làm sao để phát huy những điểm mạnh trong công tác phòng, chống lao và huy động sự vào cuộc toàn diện của cộng đồng.

Trong đó, thách thức lớn nhất là duy trì tính bền vững, các điểm mạnh hiện nay trong công tác phòng, chống lao và tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Để làm được điều này, rất cần có các văn bản pháp quy, thống nhất mô hình và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác phòng, điều trị bệnh lao.

Mô hình tổ chức phòng, chống lao tuyến tỉnh hiện nay phần lớn do Bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi chịu trách nhiệm, nhưng vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, đang trong quá trình sáp nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sự thay đổi này gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao tại 15 tỉnh, khó đảm bảo.

Ông Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ: Trong số 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, 3 tỉnh đã có bệnh viện nhưng chưa đưa vào sử dụng, 8 tỉnh đã thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật, 1 tỉnh có trạm chống lao và 3 tỉnh chưa có kế hoạch. Do đó, ông đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa đối với các tỉnh đã xây dựng bệnh viện lao/bệnh phổi, bệnh viện phổi, đưa vào sử dụng khi hoàn thành. Với những tỉnh, thành phố lập trạm/trung tâm chuyên khoa lao và bệnh phổi có giường bệnh thì Trung tâm chuyên khoa sáp nhập Khoa lao hiện tại với Khoa lao của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đối với các tỉnh sáp nhập vào Trung tâm kiểm soát bệnh tật, cần thành lập Khoa lao riêng hoặc Khoa lao – HIV có chức năng quản lý, triển khai, giám sát hoạt động chương trình chống lao trong toàn tỉnh; phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh để đảm bảo công tác điều trị bệnh lao tại tuyến tỉnh, bao gồm lao đa kháng thuốc. Việc tiến hành thống nhất mô hình tổ chức chống lao tuyến tỉnh sẽ góp phần giữ vững, nâng cao những điểm mạnh hiện nay của công tác phòng, chống lao.

Thách thức thứ 2 của Việt Nam trong công tác phòng, chống lao là sự vào cuộc, hưởng ứng của cộng đồng trong việc chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung cho rằng, nếu tất cả người dân đều quan tâm đi khám tại các cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng thì cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng phát hiện được những trường hợp mắc lao ở giai đoạn sớm, nguồn lây sẽ được cắt đứt rất nhanh.

Để thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân trong công tác phòng, chống lao, trách nhiệm không chỉ là của những cán bộ trực tiếp làm công tác này, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và mỗi người dân. Khi làm được như vậy, Việt Nam sẽ khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao theo mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế đất nước.
Minh Huệ
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm