Thái Bình phấn đấu trồng mới và trồng bổ sung trên 1.320 ha rừng ven biển

Thái Bình phấn đấu trồng mới và trồng bổ sung trên 1.320 ha rừng ven biển
Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Thái Bình phấn đấu sẽ trồng mới, trồng bổ sung trên 1.320 ha rừng ven biển trong vòng 5 năm (từ năm 2016 - 2020), đồng thời bảo vệ 4.000 ha rừng (gồm 3.700 ha rừng hiện có, 291 ha rừng trồng thêm). Dự kiến, nhu cầu vốn triển khai kế hoạch này hơn 392 tỷ đồng, trong đó kinh phí chủ yếu phục vụ việc trồng rừng và các hạng mục hỗ trợ gần 386 tỷ đồng. 
Rừng phòng hộ ven biển ở Thái Bình. Ảnh: thaibinh.gov.vn
Rừng phòng hộ ven biển ở Thái Bình. Ảnh: thaibinh.gov.vn

Đây là hoạt động lâu dài của Thái Bình nhằm giữ ổn định diện tích rừng hiện có, phục hồi diện tích rừng bị suy thoái hàng năm, đồng thời trồng mới rừng ven biển trên diện tích đất đã được quy hoạch để trồng rừng. Ngoài ra, việc trồng rừng còn có ý nghĩa xã hội khác trong tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển và đảm bảo an ninh, quốc phòng. 

Để đạt kế hoạch đề ra, Thái Bình sẽ rà soát và bổ sung điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2025 trên cơ sở quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị vùng ven biển chiếm diện tích rừng hiện có và diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp; thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thuỷ, hải sản kém hiệu quả nằm cạnh đê biển để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng. Đồng thời, tỉnh sẽ siết chặt quản lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát (nhất là việc nuôi ngao) không theo quy hoạch, lấn chiếm vào diện tích đất đã quy hoạch trồng rừng… Bên cạnh đó, Thái Bình chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong thực hiện kế hoạch trồng và bảo vệ rừng như đẩy mạnh nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật trồng rừng phù hợp với các dạng lập địa mới để đảm bảo cây trồng có tỷ lệ sống cao; nghiên cứu biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại cho cây ngập mặn và kiểm soát giống cây ngập mặn. 

Giai đoạn 2016 - 2020, Thái Bình ưu tiên triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ; dự án Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và nước biển dâng; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển số 5, số 6 trên địa bàn tỉnh Thái Bình… 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, năm 2015 tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm kê rừng và xác định diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh trên 9.610 ha, trong đó có trên 3.700 ha rừng, tập trung tại hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy. Diện tích rừng trồng tại Thái Bình chủ yếu là cấp tuổi 3 (967 ha), cấp tuổi 5 (859 ha), cấp tuổi 4 (794 ha), cấp tuổi 2 (645 ha), diện tích còn lại có cấp tuổi 1, mới trồng được từ 3 - 4 năm trở lại đây. Tỉnh Thái Bình chỉ có rừng phòng hộ, không có rừng sản xuất nên không có hoạt động khai thác gỗ rừng. Rừng Thái Bình nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển đất ngập nước Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt hệ thống rừng ngập mặn ven biển có kết cấu nhiều tầng, góp phần hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu gây ra, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ đê biển, giúp bảo tồn đa dạng sinh học, lập lại cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường . 

Những năm qua, Thái Bình đã triển khai nhiều biện pháp trồng mới, trồng bổ sung và bảo vệ các diện tích rừng hiện có. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã đầu tư trồng mới trên 500 ha rừng phòng hộ ven biển và hàng triệu cây phân tán nội đồng. Đặc biệt, tháng 3/2016 dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ tiếp tục được khởi động tại tỉnh với tổng kinh phí thực hiện hơn 2 triệu USD; trong đó, vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc là 1,9 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 150.000 USD. Đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Thái Bình trong phát triển diện tích rừng nói chung. Dự án được thực hiện tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải (huyện Thái Thụy) và xã Đông Long, Đông Hoàng (huyện Tiền Hải ). Dự kiến, dự án kết thúc vào năm 2024 sẽ giúp tỉnh Thái Bình trồng mới, trồng bổ sung và bảo vệ rừng ngập mặn với tổng diện tích 960 ha.
Thu Hoài
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm