Chiều nay 19-2, Cục Thú y cho biết cơ quan chức năng đã phát hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình; đồng thời khuyến cáo tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Ảnh : nld.com.vn |
Lợn là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Thái Bình với quy mô khoảng 970.000 con. Việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là nhiệm vụ quan trọng đối với tỉnh Thái Bình. Đến nay, cơ quan chuyên môn thực hiện lấy 87 mẫu xét nghiệm tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và đều cho kết quả âm tính. Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình thành lập 4 chốt kiểm soát ra vào 24/24 giờ tại vùng có dịch là xã Đông Đô (huyện Hưng Hà), ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ở địa phương có phát sinh dịch bệnh ra khỏi địa bàn. Sau khi phát hiện số lượng lợn có biểu hiện chết nhanh, chết nhiều tại xã Đông Đô (huyện Hưng Hà), các cơ quan chuyên môn tiêu hủy và sử dụng hóa chất, vôi bột khử trùng quanh khu vực xuất hiện bệnh và khu vực lân cận. Tính đến ngày 19/2, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình sử dụng 592 lít trong tổng số 734 lít hóa chất được cấp, 26 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh, các loại ve mềm, côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh. Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm xảy ra do virus và hiện chưa có vắc xin đặc trị, biện pháp xử lý hiệu quả là tiêu hủy lợn bệnh. Đây là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng tới sức khỏe, không lây bệnh sang con người. Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh cần khai báo tới chính quyền, cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi trường sẽ làm dịch bệnh lây lan, phát tán nhanh. Như Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đã thông tin, từ ngày 12/2, tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà xuất hiện hiện tượng lợn ốm chết nhanh, chết nhiều. Các cơ quan chuyên môn đã chẩn đoán, xác minh bệnh dịch; đồng thời, triển khai phòng, chống dịch. Đến hết ngày 17/2, tỉnh Thái Bình tiêu hủy 123 con lợn; trong đó, 13 nái và 110 lợn thịt, lợn con. Ngày 17/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.
Thu Hoài