Tây Ninh xác định xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp

Tây Ninh xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả; chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn, đang góp phần với cả nước làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

vna_potal_cong_nhan_vung_an_toan_dich_benh_tay_ninh_va_khanh_thanh_khu_chan_nuoi_ung_dung_cong_nghe_cao_7384444.jpg
Ông Nguyễn Văn Long, Cục Trưởng Cục Thú y (phải) trao chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Mở lối cho nhà đầu tư

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tại toàn tỉnh có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung, với tổng đàn khoảng 9,5 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn/năm; trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhận định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị là định hướng phát triển ưu tiên và là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh. Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, những năm qua, nông nghiệp Tây Ninh đã có bước phát triển và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được phát huy và nhân rộng, đặc biệt tỉnh đã và đang thu hút được các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, Tây Ninh vừa công bố thêm 7 dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030. Các dự án này nằm trong chuỗi Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh do liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn triển khai với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Các dự án này bao gồm hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm.

Nhận định về ngành chăn nuôi tại Việt Nam sau 15 năm có mặt đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cho rằng, thời điểm trước đó, nhiều người từng đưa ra nhận định, ngành chăn nuôi Việt Nam khó có thể cạnh tranh sản phẩm được vào thị trường quốc tế bởi rào cản về chi phí, về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vượt bậc của người Việt Nam nói chung và người chăn nuôi nói riêng đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi khiến ngành chăn nuôi, nhất là nuôi gà hoàn toàn thay đổi.

Theo ông Gabor Fluit, những năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các doanh nghiệp xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Đây là một trong những điều kiện rất cần cho việc hướng đến thị trường xuất khẩu; trong đó, có thị trường Halal đang được triển khai.

vna_potal_cong_nhan_vung_an_toan_dich_benh_tay_ninh_va_khanh_thanh_khu_chan_nuoi_ung_dung_cong_nghe_cao_7384445.jpg
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus nhấn mạnh về những thế mạnh khi đầu tư tại Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Đối với Tây Ninh, thời gian qua các doanh nghiệp đã nhìn thấy được những cơ hội phát triển ngành chăn nuôi công nghệ cao dù Tây Ninh là tỉnh phát triển sau so với nhiều tỉnh, thành khác trong vùng; chưa có tuyến cao tốc để đáp ứng việc vận chuyển xuất khẩu... Nhờ chi phí giá đất khá ổn định, phù hợp cho đầu tư xây dựng chuỗi chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt, cùng với sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đã cùng doanh nghiệp trong nước, ngoài nước xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh và việc dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại Tây Ninh đi vào hoạt động là bước khởi đầu cho chuỗi tổ hợp của 2 tập đoàn cùng các đối tác sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai tại Tây Ninh.

Tạo bước đột phá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt trên 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục trên 12 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước; Giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,7%, đóng góp trên 26% vào tổng ngân sách quốc nội (GDP) nông nghiệp.

Riêng Tây Ninh, năm 2023 có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,12% cao hơn trung bình cả nước, xếp thứ 2 so với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Cùng đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 3.931 USD. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 751 triệu USD, xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 4,98 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3%, giá trị tuyệt đối đạt 21.726 tỷ đồng, đóng góp 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

vna_potal_cong_nhan_vung_an_toan_dich_benh_tay_ninh_va_khanh_thanh_khu_chan_nuoi_ung_dung_cong_nghe_cao_7384442.jpg
Đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

"Việc các doanh nghiệp lớn chọn Tây Ninh làm điểm đầu tư cho thấy Tây Ninh là một tỉnh năng động, trách nhiệm, nghĩa tình, giàu tiềm năng và là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với trách nhiệm của mình, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, trân trọng mời gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đến với Tây Ninh để cảm nhận vùng đất giàu tiềm năng, hiểu hơn về quê hương, con người Tây Ninh trách nhiệm, nghĩa tình vững tin hiện thực hóa dự án đầu tư. Cùng đó, tỉnh luôn chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp bởi sự thành công của các nhà đầu tư chính là sự thành công và phát triển đi lên của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, điểm nổi bật của tỉnh Tây Ninh hiện nay là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi, trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus, BAF, Vinamilk… với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân. Đây được xem là các dự án tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chăn nuôi là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ ở góc độ phát triển kinh tế, an ninh thực phẩm mà còn tạo công ăn việc làm, sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân. Cùng với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, chăn nuôi Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tích to lớn, chuyển đổi cơ cấu nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp từng bước gắn với giết mổ chế biến tập trung, công nghiệp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Để phát triển ngành chăn nuôi của đất nước bền vững định hướng đến 2030, Thủ trướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án như: Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030; Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030; Đề án đẩy mạnh khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030.

Với quan điểm phát triển ngành chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề giúp cho ngành chăn nuôi không những góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm mà còn tiếp cận được với các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt như thị trường Halal.

Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm