Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, hiện nay thủ tục đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Ninh còn khá nhiều rào cản. Đơn cử chỉ tính thủ tục xin đầu tư đã có 4 đến 5 loại thủ tục và mỗi ngành, mỗi địa phương thì có cách hiểu khác nhau.
Ông Nguyễn Đình Xuân dẫn chứng, theo quy định khi nhà đầu tư muốn đầu tư vào dự án nông nghiệp thì doanh nghiệp đó phải có đất hợp pháp, nhưng để có đất hợp pháp thì mỗi nơi lại có mỗi cách áp dụng khác nhau. Có tỉnh thì chỉ cần có hợp đồng thỏa thuận mua bán đất của doanh nghiệp thì các ngành sẽ cho rà soát thủ tục về tính khả thi của dự án, tra soát quy hoạch..., nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ có biên bản ghi nhớ về chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.
Tại tỉnh Tây Ninh hiện nay, yêu cầu đất đầu tư cho dự án nông nghiệp phải chính chủ, nghĩa là đất phải có đăng ký sở hữu của công ty mới được đăng ký và muốn đăng ký sở hữu của công ty thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác; đồng thời muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì phải phù hợp với quy hoạch. Riêng việc này đã khiến cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp bị kéo dài. Mặc khác, khi đã hoàn thành các thủ tục, nhưng nếu không được chấp nhận chủ trương đầu tư, thì đất của dự án sẽ gặp khó trong việc chuyển mục đích sử dụng, vì lúc này đất nông nghiệp đã được quy hoạch thành đất dự án thuộc sở hữu của công ty.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, hiện nay còn có quan điểm phổ biến cho rằng, phát triển chăn nuôi không mang lại giá trị lợi nhuận và thuế cho địa phương, mà còn gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất... Từ đó, trái ngược với chủ trương chung của tỉnh là kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, gây ra sự cản trở, khó khăn cho các nhà đầu tư, trong khi đầu tư vào nông nghiệp thì có nhiều rủi ro. Hiện nay, Nhà nước cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên những chính sách ưu đãi khó tiếp cận, phần lớn những chính sách này hiệu quả chưa cao, tốc độ giải ngân của chính sách bình quân là dưới 50%.
Với phương châm nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, thời gian qua tỉnh Tây Ninh đã có nhiều sự quan tâm đến ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn người dân từ đô thị, khu công nghiệp trở về sinh sống ở vùng nông thôn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong năm 2021 - 2022 tăng trưởng bình quân đối với ngành nông nghiệp của tỉnh là 2,75%, tương đương với bình quân cả nước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn giữ lại nhiều diện tích cao su, mà thu nhập từ cây cao su hiện nay đang thấp. Ngoài ra, tỉnh chưa tận dụng được hết những tiềm năng về phát triển nông nghiệp, bình quân 1 ha đất hiện nay chỉ cho thu nhập khoảng 109 triệu đồng/năm là chưa xứng với tiềm năng của Tây Ninh. Cùng với đó, công tác sơ chế, chế biến nông sản còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, rất ít được kêu gọi đầu tư, chủ yếu vẫn là bán nguyên liệu tươi cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và bán lẻ cho các tỉnh lân cận, dẫn đến giá trị sản xuất nông nghiệp không cao.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp nhận đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng, các văn bản từ Trung ương đến địa phương và cả Nghị quyết của tỉnh cần phải nhất quán. Hiện nay các cơ chế còn chưa rõ ràng, nếu thay đổi được vấn đề này, sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Cùng với đó, cần phải thúc đẩy chủ trương chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ, lẻ, phân tán, sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học. Toàn tỉnh hiện có 144 dự án chăn nuôi, với vốn đăng ký trên 10.400 tỷ đồng.
Tây Ninh cần tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Ngành trồng trọt chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cao su, mía, lúa; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết sản xuất.
Hệ thống thủy lợi cần được quan tâm, trong đó sớm triển khai Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2, để phục vụ sản xuất khoảng 17.000 ha đất nông nghiệp; tận dụng triệt để tiềm năng đất đai, thủy lợi và vị trí địa lý để thay đổi và nâng cao hiệu quả phát triển ngành nông nghiệp.
Minh Phú