Tháp cổ Bình Thạnh tại huyện Trảng Bàng có niên đại trên 1.000 năm sẽ được trùng tu, tôn tạo để thu hút khách du lịch. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN |
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục tu bổ, tôn tạo 25 tích, trong đó có địa điểm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại ấp Giồng Nần, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành; Khu lưu niệm Dương Minh Châu; Địa đạo Lợi Thuận, căn cứ Rừng Nhum, Thành bảo Long Giang (huyện Bến Cầu); Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 2)… Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên nhằm giữ gìn, bảo vệ di tích, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và cách mạng cho nhân dân; đồng thời, đưa các di tích vào hệ thống điểm, tuyến, khu du lịch, xem đây là một phương thức tích cực để đưa công chúng đến với di tích. Hiện trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia và 64 di tích cấp tỉnh được phân bổ ở 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 5 di tích quốc gia, gồm: Tháp cổ Bình Thạnh, tháp Chót Mạt, Di tích khảo cổ Gò Cổ Lâm, Di tích địa điểm chiến thắng Tua Hai, Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Đen. Ban Quản lý các khu di tích cách mạng miền Nam tại Tây Ninh được giao quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị 7 di tích: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (bao gồm cả Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam); Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời, địa điểm Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1969-1975, Căn cứ Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam và căn cứ Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Công an tỉnh Tây Ninh được giao quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích quốc gia Căn cứ Ban An ninh miền và Di tích tỉnh Căn cứ Bàu Rong (Ban An ninh Tây Ninh). UBND các huyện, thành phố được giao quản lý 76 di tích, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh.
Toàn cảnh Linh Sơn Thiên Thạch động (Ðiện Bà). Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN |
Do quản lý chưa chặt chẽ, thời gian qua, tình trạng xâm hại di tích xảy ra ở một số địa phương, như người dân tự ý khai thác, trồng trọt hoa màu trong khuôn viên di tích, gây sạt lở (Thành Bảo - Long Giang huyện Bến Cầu); chăn thả gia súc, đậu xe tải trong khuôn viên di tích (Địa điểm chiến thắng Tua Hai); tự ý tu bổ, tôn tạo khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền (di tích khám đường Tây Ninh). Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho các di tích cũng còn chậm (hiện còn 40/90 di tích trong tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Trong những năm qua, tỉnh đã sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị, Ban quản lý di tích và kinh phí tài trợ của những nhà hảo tâm, đã đầu tư trọng điểm cho các dự án lớn để thực hiện các quy hoạch bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch như: Di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Đen, Di tích địa điểm chiến thắng Junction City, Di tích Địa đạo Lợi Thuận, Di tích đình Hiệp Ninh, đình Thái Bình… Ngoài ra, mỗi năm tỉnh huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích khác. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, chỉ có một số di tích được tu bổ, tôn tạo; một số di tích được đầu tư, tu bổ nhưng lại xuống cấp nhanh do thiếu sự quan tâm của địa phương và Ban Quản lý di tích trong việc chăm sóc, bảo dưỡng di tích.
Lê Đức Hoảnh