Mưa liên tục với cường độ cao gây ra lũ trên các suối khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Hội nghị đã giới thiệu đến các đại biểu những nội dung cơ bản về công tác phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung tiêu chí 3.2 "Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ".
Theo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, sau gần 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến cuối tháng 8/2019, cả nước đã có 4.522 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,8% tổng số xã, bình quân đạt 15,25 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, có 76 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây ra nhiều diễn biến cực đoan của thời tiết đã tác động nhanh chóng và ngày càng mạnh mẽ tới nước ta, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế chung mà còn tổn hại lớn đến khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ sau một trận bão, lũ đã thành tay trắng, trở thành xã khó khăn phải cứu trợ, việc khắc phục hậu quả tốn nhiều tiền của và công sức. Vì vậy, vấn đề giảm thiểu tác động xấu của thiên tai từ sớm là nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ và nhân dân cơ sở, xây dựng các đề án kinh tế - xã hội có lồng ghép yếu tố kỹ thuật cần thiết cho phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, chuẩn bị lực lượng ứng cứu và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai gây ra phải là công việc tất yếu trong đề án xây dựng nông thôn mới.
Tiến sỹ Trần Văn Toản, Trường Đại học Thủy Lợi, cho biết: Xã là cấp chính quyền nhỏ nhất trong hệ thống quản lý hành chính tại Việt Nam. Do đó, các vấn đề quản lý, hỗ trợ người dân về phòng, chống thiên tai cấp xã là dễ tiếp cận, triển khai và thực hiện. Trong đó, tiêu chí 3.2 “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” đã có những đóng góp tích cực trong việc làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân cũng như chính quyền cấp xã trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ do một số địa phương chưa chú trọng đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực của địa phương và nhận thức của người dân. Chính vì vậy, để xây dựng nông thôn mới bền vững, đặc biệt ở những vùng, địa phương thường xuyên bị thiên tai cần giải bài toán ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi để gắn các hoạt động giảm nhẹ rủ ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu vào nội dung thực hiện nhằm bảo đảm tính bền vững cho những kết quả đạt được và tiêu chí đề ra, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn một số vấn đề trong lập kế hoạch và xây dựng phương án ứng phó thiên tai cấp xã; hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân tự vệ trong hoạt động phòng, chống thiên tai ở cơ sở; một số vấn đề liên quan đến thực trạng và định hướng mô hình kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp tại địa phương…
Nhân dịp này, các đại biểu đã đi thực tế tại những nơi xảy ra thiên tai và xã xây dựng nông thôn mới điển hình tại Sơn La.
Nguyễn Cường
TTXVN