Tạo sức sống cho các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Quá trình nung gốm Gọ có nhiều đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Quá trình nung gốm Gọ có nhiều đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Bình Thuận là địa phương có nền văn hóa đặc sắc với cộng đồng 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc nơi đây đều có sắc thái văn hóa riêng. Do nhiều lý do, không ít các di sản văn hóa truyền thống, nhất là di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Chính vì vậy, Bình Thuận luôn chú trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tạo sức sống cho các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận ảnh 1Học viên học hát ngâm Ariya. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

* Nguy cơ mai một di sản văn hóa dân tộc thiểu số

Với hơn 40 nghìn người, đồng bào Chăm ở Bình Thuận sinh sống tập trung tại các huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc… Đồng bào Chăm có nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng và tồn tại có hệ thống. Bên cạnh các di tích, văn hóa vật thể, làng nghề thủ công, người Chăm đã sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng, không thể lẫn với các dân tộc khác.

Ariya là một loại văn chương của đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Đây là những tác phẩm văn chương với nhiều thể loại khác nhau như: thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca... Nội dung Ariya phong phú và đa dạng, thường xoay quanh chủ đề sinh hoạt của xã hội, các tầng lớp trên như vua chúa, tăng lữ và các tầng lớp dưới của xã hội... Ariya còn là kho tàng tri thức quý hiếm cho nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, tình yêu và giáo dục của tộc người Chăm ở Bình Thuận.

Theo nghệ nhân Lâm Tấn Bình, trước đây, Ariya được lưu truyền phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Họ có thể ngâm mọi lúc mọi nơi, trong lễ hội, tang ma, trong lúc sản xuất, sau những vụ nông nhàn hay vào mỗi buổi tối. Tuy nhiên, cuộc sống phát triển, cộng với sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, các văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya và người biết hát ngâm Ariya đang có nguy cơ mất dần.

Tại các xã vùng cao như: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào Raglay và K’ho dần bị quên lãng. Trải qua thời gian, năm tháng, do điều kiện cuộc sống, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi; quá trình tiếp xúc, giao lưu với của các dân tộc anh em và thiếu sự quan tâm đúng mức trong việc gìn giữ, trao truyền nghệ thuật trình diễn dân gian giữa các thế hệ nghệ nhân đi trước cho thế hệ sau, nhiều bài diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào K’ho mất dần.

Ông K’Văn Bún, xã Đông Giang là một trong số ít người còn biết hát và chơi các nhạc cụ dân tộc của người K’ho. Ông cho biết, dân ca, dân vũ của người K’ho được lưu truyền từ đời này qua đời khác chủ yếu bằng truyền miệng và thực hành trong cộng đồng. Trước đây, những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, tiếng kèn bầu, cồng chiên… được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào K’ho trong các dịp mừng lễ hội đâm trâu, cúng mừng lúa mới, cúng ông bà, mừng khách và bạn bè đến nhà chơi nhà…Nay thay vào đó là các bài hát hiện đại, sôi động.

* Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tạo sức sống cho các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận ảnh 2 Quá trình nung gốm Gọ có nhiều đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã mở 5 lớp truyền dạy nghệ thuật hát ngâm Ariya, dạy làm gốm của người Chăm, dạy hát dân vũ cho đồng bào K’ho cho hơn 100 học viên là con em các đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh. Đây được coi là "đòn bẩy" góp phần quan trọng vào bảo tồn, gìn giữ tài sản vô giá của vùng đất Bình Thuận.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận Đoàn Văn Thuận cho biết, việc triển khai Dự án không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức tự giác, trách nhiệm của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà còn từng bước khai thác giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh mở các lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức trình diễn, tái hiện Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận tại các đền tháp: Đền thờ Pô Nít (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình); Miếu Bà Chúa (xã Phú Lạc) và Đền thờ Pô Nrop (xã Phong Phú) huyện Tuy Phong. Thời gian tới, Bảo tàng tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối với các hành trình du lịch và mua, lắp đặt trang thiết bị, vật dụng cần thiết phục vụ xây dựng mô hình kết nối với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm.

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch, những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã phục dựng, làm mới nhiều lễ hội thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Điển hình là lễ hội Katê (một trong các lễ hội văn hóa tiêu biểu của người Chăm diễn ra tại tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết) và lễ hội Nghinh Ông (lễ hội văn hóa tiêu biểu của cộng đồng người Hoa tại Bình Thuận).

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành tài sản, thực sự trường tồn trong đời sống của đồng bào, bản thân cộng đồng dân tộc, nhất là thế hệ trẻ cần nâng cao năng lực tự bảo vệ và lưu giữ.

Chị K’ Thị Diễm (thôn 2, xã Đông Giang) thấy tự hào khi được truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc mình. Qua đó, chị hiểu thêm văn hóa dân tộc, thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ, tuyên truyền đến bạn bè, người thân và cộng đồng để cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Giang K’ Văn Vền, địa phương sẽ đẩy mạnh giới thiệu nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp nói chung, giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số nói riêng đối với thế hệ trẻ.

Với những nỗ lực chung tay của các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc thiểu số, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú, đậm đà hơn nền văn hóa truyền thống của Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm