Huyện Bắc Bình (Bình Thuận) là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc của văn hóa Chăm miền đồng bằng và ven biển. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Chăm nơi đây luôn được cấp ủy và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng…
Bắc Bình là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước, rau màu, làm gốm và vươn khơi bám biển. Theo ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Bình, văn hóa người Chăm nơi đây chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo… Những di sản văn hóa ấy đang được các thế hệ con cháu gìn giữ, bồi đắp, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến người Chăm ở Bắc Bình, không thể không nhắc đến nghề gốm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp và nghề dệt thổ cẩm tại hai xã Phan Hòa và Phan Thanh. Trải qua quá trình cộng cư với các cộng đồng dân tộc khác nhưng nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Mới đây, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Người Chăm ở Bắc Bình còn lưu giữ văn hóa mẫu hệ trong mỗi gia đình, dòng họ và tác động mạnh mẽ đến tổ chức xã hội, các nghi lễ… tạo thành hệ thống lễ nghi phong tục tập quán. Cứ vào dịp tháng 4 hằng năm (lịch Chăm), người Chăm Bàni lại tổ chức lễ Ramưwan với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như: lễ tảo mộ, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, tháp... Vào dịp cuối tháng 6, đầu tháng 7 (lịch Chăm), người Chăm theo đạo Bàlamôn tổ chức lễ hội Katê nhằm tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tết Ramưwan của người Chăm Bàni cùng với lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Chăm ở Bắc Bình có văn hóa ẩm thực khá tinh tế. Những địa danh như: Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Sông Lũy… đã nổi danh khắp cả nước với các món đặc sản mang hơi thở mặn nồng của biển, tiêu biểu như nước mắm và đồ khô biển. Để bảo tồn, phát huy những nét văn hóa Chăm đặc sắc, Bắc Bình xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm, thành lập hợp tác xã nghề gốm, đồng thời mở các tour du lịch làng nghề thổ cẩm Phan Thanh, đồi cát Bàu Trắng…, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào Chăm sinh sống trên địa bàn.
Nguyễn Thành