Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như giảm diện tích rau màu kém hiệu quả, tăng vùng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, tăng diện tích lúa đặc sản, thay thế các loại cây trồng có giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định bằng loại cây trồng có hiệu quả hoặc nuôi trồng thủy sản khác.
Trong năm nay, Sóc Trăng dự kiến chuyển đổi khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, các địa phương ước tính đã chuyển đổi được khoảng 200 ha đất trồng cây kém hiệu quả như lúa, mía, màu sang trồng các loại cây ăn trái chất lượng cao, lúa đặc sản, nuôi thủy sản...
Ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các giải pháp phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn, ứng phó với mưa bão, triều cường, sạt lở bờ kênh, bờ sông, bờ biển, bảo vệ sản xuất, đời sống người dân. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ổn định và có bước phát triển.
Là địa phương có chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh, huyện Cù Lao Dung đã chuyển được khoảng 30 ha từ đất trồng mía và màu sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản. Đại diện UBND huyện cho biết, do hiện đang mùa khô hạn nên nông dân đã chuẩn bị đất, chờ mưa xuống là gieo trồng và việc chuyển đổi cây trồng sẽ diễn ra mạnh nhất ở thời điểm giữa năm khi mùa mưa tới và vụ thu hoạch mía đã xong.
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, từ diện tích mía tới 8.000 ha, đến nay, nông dân Cù Lao Dung chỉ còn trồng khoảng 2.700 ha mía. Diện tích này sẽ còn thu hẹp thêm trong năm nay do giá mía luôn bấp bênh ở mức thấp. Năm 2021, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ với hơn 1.000 ha trồng mía, màu kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây trái có giá trị cao phục vụ xuất khẩu như xoài, nhãn, măng cụt...
Nhiều địa phương tại Sóc Trăng hiện cũng đã thực hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp cho hiệu quả cao như mô hình nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, mô hình “lúa thơm - tôm sạch” ở huyện Mỹ Xuyên, mô hình liên kết sản xuất nuôi trồng kết hợp chế biến của các doanh nghiệp ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề… cho thu nhập thủy sản thâm canh trên 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước giao dịch sản phẩm nông nghiệp thủy sản theo hướng liên kết… đã tăng nhanh giá trị kinh tế, lợi nhuận cao cho nhà nông Sóc Trăng. Nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mà giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh
Năm 2021, các địa phương trong tỉnh cũng đã chuyển đổi 1.006 ha đất lúa sang cây trồng khác và chăn nuôi; 784 ha mía sang cây trồng khác và chăn nuôi; gieo trồng được 44.293 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích cây ăn trái hiện có 30.200 ha, tăng 8,7% so với cuối năm 2020. Thu nhập của người dân từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 207 triệu đồng/ha, tăng gần 30 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Trung Hiếu