Trồng cây ăn trái trên đất cằn cho thu nhập cao

Trồng cây ăn trái trên đất cằn cho thu nhập cao
Gia đình anh Châu Văn Cường từ tỉnh Đồng Tháp đến thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết (huyện Tánh Linh) lập nghiệp được gần 10 năm nay. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay gia đình anh đã xây dựng cuộc sống mới sung túc trên mảnh đất này. Anh Cường cho biết, dù đã thử qua nhiều loại cây trồng nhưng anh nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất thích hợp để trồng các loại cây ăn trái, đặc biệt các loại cây có múi và cây xoài. Gia đình anh hiện có hơn 1 ha trồng các loại xoài như: xoài Đài Loan, xoài 3 mùa... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

So với các loại cây khác, trồng xoài cho thu nhập cao. Mỗi năm thu hoạch từ 10 - 15 tấn trái, với giá bán dao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng/năm. Cũng như anh Cường, anh Huỳnh Văn Mạnh quê ở Trà Vinh đến đây lập nghiệp. Từ kinh nghiệm trồng xoài học hỏi của anh trai và sau thời gian dài chăm sóc vườn xoài cho mẹ, anh Mạnh lập gia đình và mạnh dạn thuê 2 ha đất để trồng xoài. Anh không ngờ vùng đất cằn, hoang sơ này lại cho “trái ngọt”. 

Vừa thu hoạch xoài để kịp bán cho thương lái, anh Mạnh vừa chia sẻ, trồng xoài không khó lại ít sâu bệnh. Quan trọng nhất là khâu làm hoa ra trái và canh thời điểm để tận dụng nguồn nước mưa vì khu vực này hay bị thiếu nước vào mùa khô. Mỗi năm anh cho xoài ra trái 2 vụ, chính vụ và trái vụ. Sau khi trừ chi phí, với diện tích 2 ha mỗi vụ anh thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Anh Mạnh cho biết, nếu cây xoài cứ phát triển tốt và cho năng suất cao như bây giờ, thu nhập cải thiện anh sẽ mở rộng diện tích sản xuất, hướng tới mua đất để canh tác lâu dài loại cây này. 

Không riêng cây xoài, các loại cây ăn trái có múi như: cam, quýt, bưởi… cũng đang trở thành các cây trồng chủ lực ở thôn Suối Sâu. Bên vườn quýt trĩu trái đang được chăm sóc cẩn thận để kịp phục vụ Tết nguyên đán, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, gia đình chị hiện có 1,5 ha trồng các loại cây ăn trái; trong đó, có 7 sào trồng quýt. Vụ quýt năm nay gặp được nguồn nước ổn định, thêm vào đó ít sâu bệnh, cộng với kinh nghiệm chăm sóc, bón phân, tưới nước, tỉa cành đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt và cho trái nhiều, hy vọng mùa trái tết bội thu. Theo chị Hồng, mỗi vụ quýt kéo dài 9 tháng, từ lúc ra hoa cho tới lúc thu hoạch. Khâu quan trọng là giữ ẩm cho gốc và khâu chọn trái. Vụ quýt vừa qua chị thu được 20 tấn trái với giá bán 23 nghìn đồng/kg, trừ chi phí chị thu lợi hơn 100 triệu đồng. 

Ông Phan Văn Long, Chủ tịch Hội nông dân xã Suối Kiết cho biết, khu vực xã Suối kiết là một trong những khu vực đất đai khô cằn nhất cả tỉnh, những cây trồng đều bị kém năng suất, như mỳ, bắp... Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi trồng cây ăn trái đã hồi sinh mạnh mẽ vùng đất này. Trong 5 năm trở lại đây, các loại cây ăn trái trở thành cây kinh tế chính của người dân nơi đây. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện, thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết (Tánh Linh) có gần 400 ha cây ăn trái các loại. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên người dân đã chủ động được nguồn nước và mở rộng sản xuất, đời sống có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo giảm (đến nay còn 44 hộ nghèo), nhiều hộ vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, Hội nông dân sẽ tham mưu cho huyện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái thôn Suối Sâu và tìm đầu ra ổn định cho nông dân./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm