Chỉ dẫn địa lý là một trong những công cụ, giải pháp xây dựng thương hiệu và bảo hộ tài sản trí tuệ cho những sản phẩm hàng hóa có đặc tính, chất lượng đặc thù. Đến nay, Việt Nam đã có gần 100 chỉ dẫn địa lý trong nước nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận diện và truyền thông tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tăng thu nhập cho người sản xuất
Theo Tiến sỹ, Nghiên cứu viên chính Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, các nước phát triển (Pháp, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha...) sử dụng chỉ dẫn địa lý làm phương thức để duy trì và phát triển nông thôn. Nguyên lý của hoạt động này là tạo ra các sản phẩm có chất lượng đặc thù theo vùng miền và phát triển thị trường có giá trị kinh tế cao, khác với các sản phẩm phổ thông cùng loại. Cách làm này đã được một số địa phương của Việt Nam bước đầu áp dụng thành công.
Sau khi có được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, một số địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, sản phẩm chỉ dẫn địa lý ít hoặc không bị ảnh hưởng tiêu cực do biến động bất lợi của giá nông sản trong và ngoài nước. Điều này giúp ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Ở Việt Nam, một số địa phương có chỉ dẫn địa lý như Bình Thuận (thanh long), Tân Cương (chè Shan tuyết), Phú Quốc (nước mắm) đều thu hút một bộ phận lao động quan trọng trong vùng, giúp giảm di dân và góp phần đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, làng nghề nước mắm của Phú Quốc thu hút trên 100 doanh nghiệp tham gia và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Thanh long Bình Thuận tạo việc làm cho gần 200 tổ hợp tác và hơn 4.600 hộ nông dân. Xã Tô Múa, nơi trồng giống chè Shan tuyết Mộc Châu - cây trồng có hiệu quả nhất.
Trước khi có chỉ dẫn địa lý, trên 4.000 người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) sống bằng cây lúa nương, cây ngô trồng trên đất dốc, năng suất thấp, cây chè chỉ là phụ thêm. Diện tích chè của xã hiện nay đã tăng từ 144 ha lên 486 ha, sản lượng chè búp từ 20 tấn tăng lên 780 tấn, thu nhập chè từ 8,3 triệu đồng/ha lên 36,6 triệu đồng, thu nhập bình quân từ 145.000/người/tháng lên 800.000 đồng/người/tháng. Ðời sống của người làm chè được nâng cao, không còn hộ đói và nhiều hộ làm giàu từ cây chè…
Hay khi có chỉ dẫn địa lý (năm 2010) và tăng cường quảng bá, giá hồng không hạt Bắc Kạn đã tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg và mang lại thu nhập khá cho đồng bào dân tộc thiểu số 200 triệu đồng/ha.
Theo các chuyên gia Việt Nam, để quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, nhiều hình thức tổ chức sản xuất đã được thiết lập dựa trên sản phẩm chỉ dẫn địa lý và hoạt động theo mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối...
Hiệp hội vải thiều Thanh Hà xây dựng quy trình kỹ thuật tập thể, tổ chức áp dụng quy chế giám sát chất lượng nội bộ từ sản xuất đến tiêu thụ. Sau khi chỉ dẫn địa lý Thanh Hà được bảo hộ, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động mở rộng vùng sản xuất, nâng cao sản lượng vải. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Liên bang Đức tháng 6/2007 với giá cao hơn từ 30 đến 40% giá vải cùng loại trên thị trường trong nước. Năm 2007, một số công ty đã thu mua lượng vải thiều gấp 8 lần so với năm 2006, góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho vùng vải truyền thống nổi tiếng này.
Tiến sỹ, Nghiên cứu viên chính Bùi Kim Đồng cho rằng, hiệu quả của chỉ dẫn địa lý chỉ phát huy khi sản phẩm có chất lượng và tiềm năng thị trường. Vì vậy, cần có các nghiên cứu đánh giá khả thi về sản phẩm trước khi có ý định xây dựng chỉ dẫn địa lý. Mở rộng đối tượng bảo hộ cho 1 địa danh và cho nhiều sản phẩm chế biến từ sản phẩm thô (chỉ dẫn địa lý Thanh Hà dùng cho quả tươi và mở rộng cho vải quả khô vì khối lượng hàng hóa quả khô lớn hơn và giảm tổn thất sau thu hoạch; Hoa hồi Lạng Sơn mở rộng cho dầu hồi; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột mở rộng cho cà phê bột sử dụng nguyên liệu cà phê nhân....). Chỉ dẫn địa lý chỉ được phát huy khi có chủ thể sử dụng thực sự là tổ chức của người sản xuất và kinh doanh cùng hành động tập thể để quản lý và tiếp thị sản phẩm chung dưới logo chỉ dẫn địa lý .
Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ chức chứng nhận chỉ dẫn địa lý độc lập không gắn với hệ thống hành chính công để kết hợp nguyên tắc quản lý chất lượng độc lập với nội bộ. Thành lập Hội đồng quốc gia về chỉ dẫn địa lý để cùng với các địa phương xác định tiềm năng thị trường và chất lượng của sản phẩm sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Góp phần khẳng định vị thế cạnh tranh
Việc thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khẳng định vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, không thể có sản phẩm công nghệ cao, mang thương hiệu nếu không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động sở hữu trí tuệ.
Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với các chủ thể nước ngoài khi có nhu cầu, triển vọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển giao công nghệ ở một thị trường nhất định thì điều quan tâm đầu tiên của họ là quyền sở hữu trí tuệ. Các quốc gia có nhiều đơn sáng chế nộp vào Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu… Tuy nhiên, lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam đang chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số đơn đăng ký tại Việt Nam.
Một số nguyên nhân của tình trạng này là ở Việt Nam, nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả. Vì chưa có ý thức về quyền sở hữu trí tuệ, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền sở hữu trí tuệ mà lẽ ra họ rất xứng đáng được hưởng.
Ông Phan Ngân Sơn cho biết thêm, việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với sáng chế tại nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cũng khẳng định sự tự tin của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường khoa học công nghệ lớn nhất thế giới (thị trường Hoa Kỳ). Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Sau nhiều năm phát triển chỉ dẫn địa lý, đến nay Việt Nam mới xây dựng được Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tạo chỉ dấu tiền đề để thực hiện các giải pháp truyền thông cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Biểu trưng này hiện chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, chưa được đưa vào khai thác và quản lý. Vì vậy, việc thực hiện kế hoạch đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam là cần thiết.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, việc xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia - công cụ để quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 10 năm 2021-2030.
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng đề xuất, song song các chương trình đang thực hiện, năm thứ hai triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là “Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 -18%/năm”. Vì vậy, một trong những mũi nhọn Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên thực hiện là nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế “Made in Viet Nam”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần phải tăng cường, phát triển tài sản trí tuệ.
Diệu Thúy