Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tổng cộng trong ngày 27/7 Việt Nam ghi nhận 7.913 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 7.911 ca ghi nhận trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh: 6.318 ca, Đồng Tháp: 303 ca, Đồng Nai: 239 ca, Bình Dương: 166 ca, Tây Ninh: 144 ca, Long An: 75 ca, Vĩnh Long: 73 ca, Cần Thơ: 71 ca, Tiền Giang: 63 ca, Bến Tre, Phú Yên, mỗi địa phương: 60 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu: 52 ca, Bình Thuận: 45 ca, An Giang: 43 ca, Khánh Hoà, Đà Nẵng, mỗi địa phương: 26 ca, Hà Nội: 23 ca, Sóc Trăng: 22 ca, Kiên Giang, Ninh Thuận: 13 ca, Đắk Lắk: 12 ca, Vĩnh Phúc 11 ca, Hậu Giang: 10 ca, Bình Định: 8 ca, Thừa Thiên - Huế: 6 ca, Gia Lai, Đắk Nông, mỗi địa phương: 5 ca, Trà Vinh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, mỗi địa phương: 3 ca, Kon Tum, Lạng Sơn, mỗi địa phương: 2 ca, Cà Mau, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, mỗi địa phương: 1 ca. Có 1.063 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều 27/7, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước. Trong đó có 110.487 ca mắc kể từ ngày 27/4 đến nay; 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân để tránh tổn thất nặng nề về tính mạng
Phải đặt hiệu quả lên hàng đầu và huy động mọi nguồn lực y tế để chống dịch, không phân biệt công hay tư, quân đội hay dân sự, Trung ương hay địa phương. Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) sáng 27/7.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, hiện nay dịch COVID-19 đã lây lan rộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận, đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để ngăn chặn. Người dân cần chấp nhận hy sinh những lợi ích cá nhân, từ bỏ một số thói quen, nhu cầu cá nhân trong một thời gian để tránh những tổn thất nặng nề về tính mạng khi dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của hệ thống y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với số lượng bệnh nhân nhiều như hiện nay, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc, chữa bệnh cho người mắc COVID-19; xác định rõ mục tiêu ưu tiên cụ thể cho mỗi tầng trong mô hình điều trị COVID-19 tháp 5 tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre. Đây là ngày thứ 9 các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch của 4 địa phương này.
Chỉ trong thời gian ngắn số ca dương tính của 4 địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng “bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo”, bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu. Các địa phương cần thường xuyên đánh giá nguy cơ của từng khu vực theo từng mức độ và phân loại để triển khai giải pháp chống dịch phù hợp. Đối với khu vực nguy cơ rất cao cần nhanh chóng tổ chức truy vết triệt để nhằm cách ly nguồn lây ra cộng đồng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch của 4 tỉnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. Các tỉnh không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc trong 9 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của các tỉnh vẫn tăng cao. Đây là thời gian vàng, phải thực hiện đồng bộ "chặt trong- chặt ngoài".
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm để khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn phong tỏa, phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm. Bên cạnh đó, 4 tỉnh cần nâng cao năng lực cách ly với ít nhất 10.000 chỗ/tỉnh và xây dựng phương án cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn chi tiết Bộ Y tế đã ban hành; xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trong đó, Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.
Tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ 18 giờ 30 ngày 26/7 đến 19 giờ ngày 27/7, thành phố ghi nhận 6.318 trường hợp nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 72.740 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố. Trong ngày 26/7, có thêm 1.955 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 16.659.
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đi kiểm tra Tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh tại Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12). Đây là trung tâm được nâng cấp chuyển đổi từ Trung tâm cấp cứu 115 nhằm tăng khả năng điều phối cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại thành phố.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bác sỹ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch cho biết, việc trung tâm được Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… để mở thêm một nhánh Tổng đài 115 dã chiến tại đây, giúp công tác tiếp nhận thông tin và điều động nhân lực, phương tiện vận chuyển bệnh nhân COVID-19 được nhanh chóng, khắc phục một số bất cập thời gian qua. Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng.
Nếu trước đây mỗi ngày Tổng đài trung tâm có khoảng 1.200 cuộc gọi thì hiện nay tăng lên 5.000 cuộc gọi, nên dù đã nâng từ 6 đường truyền lên 14 đường truyền tổng đài viên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa.
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập thêm 4 bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Sở Y tế thành phố. Đó là Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hóc Môn với quy mô 700 giường, 610 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ. Cơ sở này hoạt động trên cơ sở trưng dụng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn.
Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Tri Phương có quy mô 200 giường với 250 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ có trụ sở tại Quận 5. Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 có quy mô 5.500 giường với 950 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ có trụ sở tại thành phố Thủ Đức. Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 có quy mô 4.000 giường với 700 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ có trụ sở tại thành phố Thủ Đức.
Như vậy, đến nay toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 37 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 55.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau.
Để tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, ngày 27/7, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở điều trị phải tập trung vào công tác chăm sóc và điều trị các trường hợp bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những ca bệnh có triệu chứng, diễn biến nặng, có yếu tố nguy cơ tỷ lệ tử vong cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền. Đây là yêu cầu được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đối với bệnh viện công lập, ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cũng như các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức; Phòng Y tế quận huyện, thành phố Thủ Đức về hướng dẫn công tác phòng, chống dịch hiện nay.
PV