Tình trạng thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng và béo phì không chỉ đặt ra gánh nặng y tế tại các nước đang phát triển, mà còn đang ngấm ngầm "bòn rút hầu bao" của các doanh nghiệp lên tới 850 tỷ USD/năm. Điều này cho thấy các công ty cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề vốn đang trở nên xấu đi do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Những phát hiện trên được đưa ra trong một nghiên cứu do Chatham House và Vivid Economics thực hiện và công bố ngày 8/7. Đây cũng là báo cáo đầu tiên phân tích tác động của tình trạng thiếu ăn và béo phì tới các doanh nghiệp tại các nước thu nhập thấp và trung bình ở khu vực châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và châu Âu.
Theo báo cáo này, suy dinh dưỡng được đinh nghĩa là thiếu dinh dưỡng và thừa dinh dưỡng, bao gồm các tình trạng từ còi cọc và thiếu máu cho tới thừa cân và béo phì. Cả hai tình trạng này đều khiến nhân viên tại các công ty có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe, từ đó khiến họ phải nghỉ phép vì ốm nhiều hơn. Ở các nước đang phát triển nơi tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, các nhà nghiên cứu ước tính chi phí trực tiếp do năng suất lao động giảm mà các doanh nghiệp phải gánh chịu vào khoảng 130 tỷ - 850 tỷ USD/năm, tương đương khoảng 0,4%-2,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước này. Chi phí trực tiếp mà các công ty phải gánh bao gồm năng suất lao động giảm do nhân sự có vấn đề sức khỏe và năng lực nhận thức và thể chất của người lao động bị hạn chế. Điều này cũng khiến các hộ gia đình chìm trong tình trạng đói nghèo, đồng nghĩa họ không đủ tiền để chi tiêu như những người tiêu dùng bình thường khác, vì thế gây khó khăn cho việc phát triển một lực lượng lao động khỏe mạnh. Do đó, báo cáo nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng bởi điều này nằm trong lợi ích của các doanh nghiệp.
Trao đổi với báo giới, trưởng nhóm nghiên cứu Laura Wellesley (Lau-ra Oen-lét-xlây), một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chatham House, cho biết trong khi chi phí do tình trạng thiếu dinh dưỡng và thừa cân/béo phì đối với xã hội đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, song chi phí và rủi ro mà các công ty phải gánh chịu do tình trạng suy dinh dưỡng trong lực lượng lao động và cộng đồng rộng lớn hơn vẫn chưa được xem xét đúng mức. Hơn ai hết, các công ty cần nhận thức vấn đề này để có biện pháp giải quyết bởi đây là lợi ích của các họ.
Cũng theo bà Wellesley, cả béo phì và thiếu dinh dưỡng đều là hậu quả của việc chế độ dinh dưỡng kém, và phải giải quyết hai vế này cùng nhau nếu muốn giảm gánh nặng suy dinh dưỡng lên các công ty và xã hội. Bà kêu gọi tăng cường nỗ lực giải quyết cả hai vấn đề trên, như đảm bảo chế độ tiền lương công bằng, trợ cấp thực phẩm bổ dưỡng cho nhân viên, hỗ trợ các bà mẹ trong giai đoạn cho con bú và giáo dục về chế độ ăn uống lành mạnh.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh ông Philip Alston (Phi-líp An-xtơn), cựu đặc phái viên của Liên Hợp quốc về vấn đề nghèo đói cùng cực và nhân quyền, đã lên tiếng chỉ trích cộng đồng quốc tế đang lan truyền những thông tin sai lệch rằng tình trạng nghèo đói toàn cầu đang bị xóa bỏ trong khi thực tế tình trạng này đang gia tăng. Ông cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, đồng thời làm gia tăng số người có nguy cơ bị đói ăn cấp tính thêm hơn 250 triệu người. Theo ông Alston, ngay các trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã lãng phí một thập kỷ trong cuộc chiến chống đói nghèo khi đạt được những "chiến thắng không đúng chỗ", gây cản trở cho những cải cách vốn lẽ ra đã có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất do dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu 2020, cứ 9 người lại có 1 người trên thế giới bị thiếu ăn hoặc hoặc thiếu dinh dưỡng; trong khi cứ 3 người lại có 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị còi cọc.
Phương Oanh