Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu

Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu

Với hơn 17.000 hộ, trên 74.000 nhân khẩu, người Khmer chiếm 7,8% dân số của tỉnh Bạc Liêu, sinh sống tập trung tại 32/64 xã nằm xa trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh, nhiều xã là vùng căn cứ cách mạng, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các ngành, các cấp trong tỉnh luôn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước nhằm chăm lo và nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo phum, sóc ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới ở các vùng có đông đồng bào dân tộc.

Sức sống mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu ảnh 1Một cảnh trong vở dù kê “Chuyện tình Chhey One”. Ảnh:lhhvhnt.baclieu.gov.vn

Đời sống văn hóa tinh thần ở các phum, sóc có bước phát triển mới

Bạc Liêu luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện có 22 ngôi chùa Khmer. Với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, chùa còn được xem là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc Ngũ âm, đội ghe Ngo ở hầu hết các ngôi chùa Khmer.

Theo Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, các chùa Khmer trong tỉnh đều được chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp quan tâm tạo điều kiện tốt thực hiện các nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới và sửa chữa ghe Ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa. Ngoài ra, nhiều ngôi chùa, các Salatel (nơi để bà con Khmer sinh hoạt văn hóa cộng đồng) trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ sinh hoạt, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ông Thạch Mô Ly – Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, cho biết sau hơn 2 năm tạm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đoàn và Bảo tàng tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo trong việc lựa chọn các loại nhạc cụ, dàn dựng và tập luyện tiết mục hòa tấu nhạc cụ ngũ âm Khmer để tạo dấu ấn rõ nét cho âm nhạc phum, sóc để biểu diễn cho đồng bào dân tộc. Cùng với trưng bày nhạc cụ, Bạc Liêu còn tổ chức các chương trình triển lãm, giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống dưới hình thức sân khấu hóa; qua đó, tạo không gian đầy màu sắc, gần gũi giúp công chúng tiếp cận dễ dàng và hiểu thêm về giá trị âm nhạc, nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân tộc Khmer ở Bạc Liêu.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cũng khẳng định, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở đã chủ động tích cực triển khai có hiệu quả nhiều những công trình, dự án như: thiết chế văn hóa nhà truyền thống chùa Xiêm Cán (thành phố Bạc Liêu); chùa Đầu, (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi)… Sở còn chỉ đạo các đơn vị sư nghiệp như: Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Khmer, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Thư viện tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao thường xuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chiếu bóng lưu động, luân chuyển sách, thi đấu thể dục thể thao để phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các phong trào văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer phát triển sôi nổi thông qua việc tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, giao lưu văn hóa – nghệ thuật truyền thống, thi trang phục đẹp, biểu diễn các điệu hát – múa đặc sắc vào những dịp lễ, Tết được duy trì thường xuyên, với nhiều loại hình hoạt động nghệ thuật phong phú, đa dạng như văn nghệ Rôbăm (kịch múa), Dù kê (kịch hát), Aday (hát đối) múa Lămthôn, nhạc ngũ âm, trống Chhây yăm, cờ ốc, nhảy bao, kéo co, chuyền khăn, bóng chuyền, ghe Ngo.

Bà Trần Thị Lan Phương nhận định, đánh giá tổng thể chung đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng kể; các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa diễn ra sôi nổi, hàng loạt dự án, đề án, chương trình mục tiêu được đầu tư gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động to lớn và tích cực đến đời sống xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống văn hóa tinh thần ở các phum, sóc có bước phát triển mới nhanh chóng thay đổi diện mạo văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị.

Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo “ươm hạt giống” mới


Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào dân tộc, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống tinh thần đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Khmer nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng khẳng địn, Bạc Liêu luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thiết chế văn hóa ở một số ngôi chùa trọng điểm và trang bị cơ sở vật chất nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trong đồng bào dân tộc. Tỉnh có chính sách ưu đãi cho con em người dân tộc tham gia học các lớp chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật nhằm thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo “ươm hạt giống” mới cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ngày càng phát triển.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cũng cho biết, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ theo phong tục truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với sinh khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà bản sắc dân tộc nhân các ngày lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Trong đó, tỉnh và các địa phương tặng quà, tiền hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền và tổ chức các hoạt động lễ hội, đua ghe Ngo…; tạo điều kiện cho đồng bào Khmer tôn tạo các điểm chùa khang trang, sạch đẹp, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mang đậm bản sắc của người Khmer.

Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer tỉnh hàng năm tổ chức nhiều buổi lưu diễn phục vụ đồng bào, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biển phục vụ thiết thực nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ trong đồng bào.

Tỉnh còn hỗ trợ kinh phí xây dựng đề án trọng điểm để khôi phục lại một số loại hình văn hóa, văn nghệ đang có nguy cơ bị mai một như: Trang phục truyền thống của đồng bào Khmer, các trò chơi dân gian, sân khấu Rô băm, Dù kê, nhạc cụ cổ truyền và mở thêm lớp học để bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số ở địa phương.

Cùng với đó, Bạc Liêu tiếp tục tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống cũng như có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, công tác đào tạo cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ dân tộc Khmer; lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đối với thông tin, truyền thông tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, các báo, đài tỉnh, đài truyền thanh huyện, thành phố tăng cường tin, bài, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng để thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở đưa thông tin truyền thông đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm