Sáng 2/7, tại tỉnh Sơn La đã diễn ra tọa đàm trực tuyến Diễn đàn nông nghiệp 4.0 với chủ đề "Kết nối cung cầu – Nâng tầm nông sản". Chương trình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La tổ chức.
Sự kiện nhằm tạo diễn đàn thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chỉ ra những giải pháp quan trọng cần thực hiện trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có sản lượng nông sản lớn để xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản; chủ động tổ chức các buổi kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, theo lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử; phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ rào cản ở các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Sơn La là tỉnh từng gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Sau khi thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, địa phương được đánh giá là "hiện tượng" trong phát triển kinh tế đối với các tỉnh Tây Bắc.
Theo thống kê, năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Sơn La ước đạt gần 7.600 tỷ đồng với gần 80.000 ha cây ăn quả, tổng sản lượng quả đạt gần 337.000 tấn; trong đó, diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn hơn 17.500 ha; cấp 181 mã số vùng trồng cho hơn 4.700 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ.
Năm 2021, dự kiến tỉnh Sơn La sẽ tiêu thụ khoảng 430.000 tấn nông sản như mận, xoài, nhãn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản cũng gặp không ít khó khăn. Chia sẻ về những kinh nghiệm, giải pháp giúp người nông dân tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, địa phương đã lập Ban chỉ đạo xuất khẩu, tiêu thụ nông sản với sự tham gia của các sở, ngành, địa phương.
Đồng thời, định hướng tiêu thụ thông qua xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Cùng với đó, kết nối các hệ thống siêu thị lớn, các chợ đầu mối, các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng hướng đến sản xuất nông sản theo đơn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tính toán giãn vụ, rải vụ để giảm áp lực về thời vụ và giá cho người nông dân.
Tại Sơn La, bà con đang tiếp tục nhận được sự hỗ trợ lớn trong chuyển giao, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông sản. Để được thị trường thế giới đón nhận, điều quan trọng là khâu nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản ngay từ bước đầu phải đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn nhất định.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, nông sản Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Một số mặt hàng nông sản đứng top đầu thế giới về xuất khẩu và đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, nhưng theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lượng nông sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam đều tăng mạnh cho thấy tín hiệu rất khả quan.
Tuy nhiên, thực tế tại thị trường trong nước, diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách, cách ly, tạm dừng bán hàng. Điều này đã khiến cho việc tiêu thụ nông sản nội địa gặp rất nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mô hình kinh doanh không tiếp xúc đã phát huy lợi thế với mọi loại hình kinh doanh; trong đó, có nông nghiệp. Đáng chú ý, vừa qua, Tổng Công ty Bưu chính Viettel - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử voso.vn đã cùng với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Tiki, Shopee, Postmart (VNpost) ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản cho các tỉnh Bắc Giang. Đây đang được xem là mô hình tiêu thụ sản phẩm phù hợp trong giai đoạn hiện đối với các tỉnh có sản lượng nông sản lớn.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại điện tử Bưu chính Viettel chia sẻ, để tháo gỡ cho bà con nông dân, cũng như các địa phương trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đơn vị tiếp tục có kế hoạch làm việc với một số địa phương có sản lượng nông sản lớn như: Sơn La, Hải Dương để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, thông qua các kho bảo quản lạnh, đơn vị sẽ thực quy trình vận chuyển sản phẩm nông sản một cánh nhanh chóng, đảm bảo chất lượng nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Hữu Quyết