Trong buổi làm việc gần đây với ngành Nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định một lần nữa, trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân là “trung tâm”, nông thôn là “nền tảng” và nông nghiệp là “động lực”. Với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho giai cấp nông dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã trả lời phỏng vấn của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) về tình hình hoạt động trong phong trào nông dân thời gian qua; định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới.
* Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình, tuy nhiên để nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân Việt Nam đã, đang và sẽ đưa ra những giải pháp nào để hỗ trợ hội viên của mình, thưa ông?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề số 04, 05, 06 (năm 2020) về tổ chức, xây dựng Hội. Các Nghị quyết đã xác định rõ những chủ trương, giải pháp để thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động Hội trong thời kỳ mới, từng bước đạt được kết quả có ý nghĩa.
Ngày nay, kinh tế phát triển mạnh mẽ, phương thức tập hợp nông dân theo lối cũ không theo kịp yêu cầu thực tế. Việc triệu tập hội viên nông dân đến để tuyên truyền như cuộc họp thông thường trước kia đã thấy rõ những hạn chế. Nhu cầu nông dân đã thay đổi, một số cấp Hội năng động đã xây dựng những mô hình có sức thu hút nông dân mạnh hơn.
Nhưng nhìn chung trên cả nước, phải thẳng thắn thừa nhận công tác tổ chức, tập hợp nông dân của Hội chúng ta chưa theo kịp nhu cầu. Nhiều cơ sở Hội ở các địa phương qua tổng kết cho thấy mức độ tập hợp hội viên chỉ đạt 60-70% số nông dân, thậm chí có nơi thấp hơn tỷ lệ này. Từ thực tế đó, Trung ương Hội xác định việc tập hợp nông dân cần phải thay đổi, đổi mới trên cơ sở phải sắp xếp lại các chi, tổ hội, đặc biệt là phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp. Đó là việc trọng yếu hàng đầu trong công tác Hội hiện nay.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa các câu lạc bộ của Hội, như: Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Nông dân với bảo vệ môi trường nông thôn… Chúng ta có rất nhiều mô hình câu lạc bộ của nông dân, phải phát triển, tập hợp nông dân trên cả các cơ sở đó, vì mỗi câu lạc bộ gắn với chính nhu cầu thiết thực của người tham gia.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ theo hướng thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa. Trong đó, phải tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về vật tư đầu vào, hợp tác với các doanh nghiệp uy tín cung cấp, giới thiệu, hỗ trợ cho nông dân có những sản phẩm, dịch vụ đầu vào đúng chất lượng, giúp cho nông dân tránh bị “thua” ngay từ đầu vào khi mua phải vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng. Điểm mới cần hướng đến là chất lượng hợp tác, cần đạt được sự bình đẳng và ổn định, đảm bảo quyền lợi cho hội viên với tư cách người tiêu dùng số lượng lớn.
Mục tiêu tiếp theo là tạo nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho nông dân phát triển kinh tế. Thông qua hợp tác với các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân để tập hợp nông dân, hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo và tuyên truyền vận động nông dân. Trung ương Hội tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, vì đã minh chứng được tính hiệu quả cao, được ghi nhận. Các tỉnh, thành phố làm tốt việc phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân đều là những địa phương tập hợp nông dân tốt, có chất lượng nông dân tốt hơn.
Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đi kèm với nhân rộng mô hình. Chúng ta xây dựng mô hình tốt, nhưng việc nhân rộng mô hình còn chưa tốt. Cần làm tốt việc phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức nghề nghiệp để thu hút chuyên gia tham gia cùng với Hội, mới có thêm điều kiện nhân rộng, tuyên truyền rộng. Các mô hình này sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao tay nghề và năng suất lao động hiệu quả cho nông dân, từng bước khắc phục dần điểm yếu về năng suất lao động của nông dân ta, vốn còn ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á.
Ngành nông nghiệp với nông dân không thể tách rời nhau. Văn kiện quan trọng của Đảng những nhiệm kỳ gần đây đã khẳng định: Nông dân là “chủ thể” trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới… Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định một lần nữa, trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân là “trung tâm”, nông thôn là “nền tảng”, và nông nghiệp là “động lực”. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rất rõ vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Khi nông dân là trung tâm, tất yếu cần phải đầu tư tương xứng cho yếu tố “trung tâm”. Nông nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững, tất yếu phải chăm lo xứng đáng từ cái gốc của lực lượng sản xuất, chính là con người. Nông dân, trên góc độ là con người tư duy, cũng như những thành phần xã hội khác, không phải cứ nói là làm được ngay. Để có được kết quả mới, không thể vẫn giữ cách làm cũ, mà phải có giải pháp mới, được thay đổi từ gốc rễ của tư duy.
Thay đổi tư duy của nông dân trong cách làm nông nghiệp tức là tháo gỡ những rào cản cố hữu về tư duy cũ, giải phóng năng lực con người từ bên trong. Khi làm được điều đó, nông dân của chúng ta mới dễ dàng đón nhận những cơ hội lớn hơn mà cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cùng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại mang lại. Đây là “dư địa” cho một cuộc cách mạng về năng suất lao động nông nghiệp của chúng ta trong tương lai gần.
Có thể khẳng định, nông dân có những cá nhân rất giỏi, nhưng đại đa số vẫn nghèo do chưa cải thiện được tầm nhìn, chưa thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách hợp tác liên kết để tạo ra giá trị lớn hơn. Để thay đổi tư duy cho đại đa số nông dân thì không thể áp dụng theo cách học trực tiếp những cá nhân xuất sắc được, mà cần có giải pháp tổ chức cung cấp thông tin, kiến thức, huấn luyện kỹ năng thực tế về mô hình kinh tế hợp tác, tham gia hợp tác xã, về tư duy kinh doanh nông nghiệp. Thông qua đó, nông dân cùng nhau thấy rõ được nhu cầu và mục tiêu khả thi của mình ở những “đường chân trời” mới, từ đó mới chủ động thay đổi mà không cần quá nhiều lực đẩy từ bên ngoài.
*Tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống của nông dân, xin ông cho biết các cấp Hội đã xây dựng và thực hiện những nội dung gì nhằm trợ giúp nông dân ổn định sản xuất?
- Trước hết, các cấp Hội cần phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phải đạt được mục tiêu kép là chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.
Với tổ chức Hội, trước hết phải phát huy thế mạnh tuyên truyền vận động tới cán bộ Hội, tổ chức Hội và hội viên nông dân. Các hộ nông dân nếu có con em, người thân học tập, công tác ở nước ngoài thì động viên họ thực hiện nghiêm pháp luật nhập cảnh và phòng, chống dịch. Nông dân chủ động phát hiện, tố giác các hoạt động vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn các nguy cơ nguồn lây bệnh từ nước ngoài. Các cấp Hội tiếp tục động viên nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh, không vì sợ hãi quá mức mà đình trệ sản xuất.
Bên cạnh đó, các cấp Hội phải động viên nông dân bình tĩnh, không bi quan khi Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo phòng, chống dịch hiệu quả; nắm bắt kịp thời các diễn biến ở địa phương, để kịp thời hỗ trợ, hoặc có giải pháp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cho Hội cấp trên để có giải pháp kịp thời.
*Thời gian qua, mỗi khi có biến cố xảy ra, các cấp Hội đều đứng ra kêu gọi nhân dân cả nước hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ông đánh giá thế nào về vấn đề này và Trung ương Hội có giải pháp gì để hoạt động trợ giúp nông dân được hiệu quả hơn?
- Trong giai đoạn hiện nay, nhất là diễn biến của đại dịch COVID -19 kéo dài, việc các cấp Hội đứng ra hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là cần thiết. Để giúp nông dân, Hội sẽ giao cho các đơn vị trực thuộc kết nối các trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn các tỉnh, thành phố để tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm các vùng, miền, nhất là các sản phẩm OCOP, tổ chức phiên chợ nông sản an toàn; phát triển cửa hàng nông sản an toàn; định kỳ tổ chức tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, festival nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, có cơ chế, chính sách mạnh, đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học- công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân… Có chính sách khuyến khích việc nâng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay.
Nhà nước cần có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản, trong đó có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá; ưu tiên thu mua nông sản được sản xuất bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không hủy hoại môi trường, nông sản sản xuất theo nhóm hộ hoặc của các tổ hợp tác, hợp tác xã để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Giải pháp này nhằm hạn chế nông dân phát triển nông nghiệp theo thói quen và mang tính tự phát; tránh tình trạng nông dân đổ xô đi phá rừng trồng cà phê, trồng mía, trồng vải thiều, nạo vét ao đầm nuôi cá, tôm khi các mặt hàng này được giá, nhưng khi thị trường thay đổi, bị rớt giá và ép giá, người dân lại tự phá bỏ để quay về lối canh tác cũ.
Đây là tình trạng sản xuất thiếu quy hoạch, thiếu tổ chức sản xuất, thiếu tính bền vững, gây hủy hoại môi trường và lãng phí các nguồn lực.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Bình