U Minh Thượng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bùi Giang – TTXVN
Mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bùi Giang – TTXVN

U Minh Thượng là huyện thuần nông của tỉnh Kiên Giang với hơn 85% dân số làm nông nghiệp. Những năm qua, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện có những chuyển biến tích cực, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp cơ bản đúng hướng.

U Minh Thượng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ ảnh 1 Mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

 Từng bước hình thành theo hướng hữu cơ

Theo ông Đặng Xuân Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy U Minh Thượng, phát triển nông - lâm - thủy sản vẫn là thế mạnh chủ yếu của huyện; trong đó, cây lúa, cây ăn trái, rau màu và con tôm được coi là chủ lực.

Bước vào thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, U Minh Thượng đã đi từng bước. Năm 2018, huyện bắt đầu tập trung tuyên truyền vận động và huy động nguồn lực về vốn, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; khảo sát chọn địa bàn, họp dân và xây dựng các chương trình, dự án sản xuất tôm - lúa, lúa mùa, cá đồng, rau màu, cây ăn trái theo hướng an toàn và đạt các chứng nhận VietGAP vùng tôm - lúa và vùng đệm U Minh Thượng; củng cố và nâng lên chất lượng hoạt động các hợp tác xã ở xã Thạnh Yên, Hòa Chánh, Thạnh Yên A, An Minh Bắc và Vĩnh Hòa.

Năm 2019, U Minh Thượng chọn 3 xã Thạnh Yên, Hòa Chánh và An Minh Bắc triển khai thí điểm các chương trình, dự án sản xuất tôm - lúa; chọn xã Minh Thuận, An Minh Bắc triển khai mô hình lúa - cá, rau màu, cây ăn trái theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và đề xuất các chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP để tiến đến chứng nhận hữu cơ. Năm 2020, huyện tổ chức triển khai nhân rộng trên địa bàn 6 xã.

Đặng Xuân Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy U Minh Thượng cho rằng, để thực hiện thành công phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cần có những giải pháp đột phá để phát huy vai trò của kinh tế tập thể hướng người dân tích cực tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã.

Đối với các chương trình, mô hình sản xuất tôm - lúa không đầu tư dàn trải, chỉ ưu tiên đầu tư các chương trình, mô hình cho các tổ hợp tác, hợp tác xã. Phát huy tối đa hiệu quả diện tích lúa mùa khu vực vùng đệm, cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiến đến xây dựng thương hiệu lúa mùa vùng đệm.

Bên cạnh đó, xây dựng và trình diễn các mô hình nuôi tôm - lúa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chú trọng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng xen, ghép và các loại giống thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao. Bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và tiểu vùng.

Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất theo lịch thời vụ; liên kết thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ của từng vùng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống, thuốc và hóa chất sử dụng trên tôm, an toàn trong thu mua và sơ chế.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của việc canh tác tôm-lúa. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, nhất là quản lý môi trường nước, phòng trị bệnh trên tôm, kỹ thuật canh tác lúa trong mô hình. Xây dựng điểm trình diễn mô hình sản xuất tôm - lúa để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Định hướng sản xuất lúa, tôm theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng thương hiệu tôm chất lượng cao, thương hiệu gạo chất lượng cao trong vùng sản xuất tôm - lúa.

Các giải pháp cải thiện các tác động của thủy triều và xâm nhập mặn, nhiễm mặn khó cải tạo; chọn tạo, phục tráng các giống lúa chất lượng, giống lúa chịu mặn, chịu phèn tốt, kháng bệnh, năng suất và chất lượng phù hợp với vùng tôm - lúa. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã) giúp giảm chi phí mua bán qua trung gian, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt tiêu chuẩn các chứng nhận VietGAP.

Thành quả đạt được bước đầu

Với những bước đi bài bản, cụ thể, đến nay huyện U Minh Thượng đã hình thành được vùng sản xuất hai vụ lúa tập trung gắn với chương trình cánh đồng lớn. Cụ thể, vụ lúa Đông Xuân năm 2020 - 2021, tổng diện tích gieo trồng trên 6.556 ha, năng suất 5,8 tấn/ha, sản lượng 38.027 tấn, diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 95%, trong đó có 230 ha thực hiện cánh đồng lớn và có trên 500 ha có hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Vùng tôm - lúa và vùng ven sông Cái Lớn, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả một cách bền vững. Vùng này còn chú trọng nuôi xen, ghép nhiều đối tượng để nâng cao giá trị sản xuất gắn với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đối với vụ tôm, năm 2020, thả nuôi với diện tích 8.908 ha, sản lượng 4.445 tấn, năng suất bình quân gần 500 kg/ha. Riêng vụ lúa gieo sạ lắp vụ trên nền đất nuôi tôm trên 7.257 ha, năng suất 5,2 tấn/ha, sản lượng 37.740 tấn, diện tích có hợp đồng liên kết trên 1.000 ha.

Còn tại hai xã vùng đệm, huyện tập trung phát triển mô hình đa canh tổng hợp, như rau màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá, mô hình lúa - cá. Đến nay đã có trên 2.300 ha diện tích trồng chuối; 440 ha cây ăn trái; dứa 450 ha; rau màu, gừng củ 2.270 ha và diện tích nuôi cá nước ngọt trên 3.000 ha.

Theo ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, với từng bước đi và chia ra từng khu vực để phát triển tiềm năng, lợi thế từng vùng ngày phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, để tiến tới sản xuất theo hướng hữu cơ cần đi từng bước một. Bởi sản xuất theo hướng này, thường năng suất đạt thấp hơn và đến những ba năm thực hiện liên tục thì mới được công nhận. Theo đó, các doanh nghiệp mới hợp đồng bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ vốn và đầu ra. Lúc đầu triển khai thực hiện đến các hộ dân cũng gặp khó khăn nhất định, nhưng khi thấy lợi ích mang lại về lâu dài thì nông dân đã mạnh dạn đầu tư.

Cái lợi trước mắt thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ là môi trường do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giảm chi phí thuê nhân công bón phân, xịt thuốc. Cái lợi lớn nhất là làm ra nông sản sạch được mua giá cao hơn thị trường và được đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm làm ra. Theo ông Trần Văn Huỳnh, ngụ ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên A, trước đây cứ loay hoay nuôi chuyên tôm sú, có năm trúng năm thua. Khi được khuyến khích chuyển sang mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, lúc đầu ông Huỳnh cũng e ngại, nhưng sau đó quyết định thực hiện theo. Qua ba năm chuyển sang thực hiện mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Ngoài việc nông sản làm ra sạch, an toàn thực phẩm, ổn định đầu ra, nhẹ nhân công, thì việc thực hiện mô hình một vụ tôm - một vụ lúa đã giúp đất thêm màu mỡ. Theo ông Trần Kiếm Trúc - hàng xóm với ông Huỳnh, với mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa giữ được màu mỡ của đất, vừa an toàn thực phẩm, thu nhập hàng năm cũng không kém hơn so với trước. Sản xuất theo mô hình này giá bán thường cao hơn còn được ổn định đầu ra nên không lo về giá.

Qua ba năm triển khai thực hiện, đến nay có 59 ha mô hình lúa - cá tại Tổ hợp tác ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận được chứng nhận hữu cơ, với sản lượng 295 tấn/năm; trên 48 ha tôm - lúa, với sản lượng 241 tấn/năm đạt chứng nhận VietGAP tại Tổ hợp tác Tốt, ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên; chứng nhận hữu cơ 20 ha lúa, sản lượng 80 tấn/năm, tại ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên; chứng nhận 74 ha rau màu đạt chuẩn VietGAP ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận; chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho 43 ha gừng củ, sản lượng 385 tấn/năm tại Hợp tác xã gừng U Minh Thượng, xã Minh Thuận và chứng nhận đạt GlobalGAP cho 55,6 ha cây ăn trái ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã An Minh Bắc.

Tất cả lúa, tôm, hoa màu, cây ăn trái của nông dân trên địa bàn huyện U Minh Thượng được công nhận các chứng nhận đều được các hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang bao tiêu. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông dân huyện U Minh Thượng nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung khi nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm