Ngày 19/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023.
Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định khát vọng, tầm nhìn, chỉ ra các động lực phát triển, để tỉnh Sơn La khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện; phát triển xanh, nhanh và bền vững; phấn đấu đưa tỉnh Sơn La trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt - Lào và vùng Trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch. Các cấp, ngành và các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng; chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch tỉnh được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong quá trình thực hiện theo quy hoạch.
Cùng đó, các cấp, ngành và các địa phương huy động mọi nguồn lực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và có sức lan tỏa lớn. Đó là: Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La; đường cao tốc Mộc Châu - Thành phố Sơn La; Cảng hàng không Nà Sản, phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu được công nhận; huyện Mộc Châu trở thành thị xã; huyện Quỳnh Nhai hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả các dự án sử dụng đất để tạo nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, các cấp, ngành và các địa phương tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm, ưu tiên hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế, đào tạo nghề cho thanh niên lập nghiệp, lao động thuộc các xã vùng khó khăn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới….Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ tỉnh Sơn La, với diện tích tự nhiên hơn 14.000 km², lớn thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính, dân số trên 1,3 triệu người, 12 dân tộc sinh sống.
Bám sát mục tiêu tổng quát, quan điểm phát triển xuyên suốt của quy hoạch tỉnh Sơn La phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo là nền tảng, các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và du lịch là mũi nhọn đột phá.
Quy hoạch tỉnh Sơn La có 4 không gian kinh tế đặc trưng, gồm: Vùng Đô thị và Quốc lộ 6; vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận; vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà; vùng cao biên giới.
Hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, kết cấu hạ tầng tập trung phát triển hệ thống đô thị tỉnh Sơn La hướng tới tiêu chí đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, có trọng điểm phát triển chiều sâu lẫn chiều rộng. Trong thời kỳ quy hoạch hình thành và phát triển 2 khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập, kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương; 2 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Mai Sơn; khu công nghiệp Vân Hồ và 15 cụm công nghiệp.
Phát triển mạng lưới giao thông, tập trung phối hợp thực hiện các dự án giao thông của Trung ương đầu tư trên địa bàn như: Đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La- Điện Biên; Cảng hàng không Nà Sản; nâng cấp, mở rộng một số quốc lộ trọng yếu và triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.
Quy hoạch hệ thống đô thị giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 16 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V). Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh có 17 đô thị (1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V). Phấn đấu, đến năm 2030, thành phố Sơn La đạt đô thị loại I.
Dịp này, UBND tỉnh Sơn La trao chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn.
Nguyễn Cường