(Ảnh minh họa. Trung Hiếu-TTXVN) |
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Trong năm 2016, tổng vốn phân bổ cho các địa phương thực hiện chương trình 135 của tỉnh là 62.332 tỉ đồng để thực hiện các nội dung như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ duy tu bảo dưỡng công trình, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, đầu tư cho 36 xã (khu vực III) và 40/71 ấp, khóm đặc biệt khó khăn (khu vực II). Hiện tỉnh Sóc Trăng đã phân bổ vốn về địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên do có sự biến động về hộ nghèo nên đến thời điểm này, các quyết định liên quan đến việc cho vay vốn đối với hộ nghèo chỉ mới được giải ngân gần 50%. Toàn tỉnh có 938 hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ 313 giếng khoan với kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Số 1736/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 về việc phân bổ kinh phí thực hiện. Số kinh phí còn lại gần 25 tỷ đồng (do nhiều hộ không đủ điều kiện thực hiện giếng khoan) được Ủy ban Dân tộc chấp thuận cho tỉnh Sóc Trăng sử dụng để thực hiện lắp đồng hồ nước, bể chứa nước và nâng cấp mở rộng mạng lưới cấp nước.
Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề về tình hình hộ nghèo thực tế tại địa phương; rà soát lại đối tượng hộ nghèo; vấn đề quản lý giếng khoan. Riêng thị xã Vĩnh Châu, người dân đã tự phát đào khá nhiều giếng khoan, hơn nữa tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra dẫn đến không thể sử dụng được nguồn nước gây khó khăn cho việc quản lý tầng nước ngầm, tạo nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng cao.
Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất với Ban Dân tộc tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề xuất triển khai 24 công trình nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước tại vùng đồng bào dân tộc Khmer ở các địa phương bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và thiếu nguồn nước ngọt, nước sạch sinh hoạt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng yêu cầu Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh lưu ý các công trình cấp nước và mở rộng mạng lưới cấp nước này (trị giá gần 25 tỷ đồng) sẽ nằm trong Đề án hỗ trợ theo QĐ 755/QĐ-TTg, cần thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đối với các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khoan giếng cũng cần thực hiện đúng tiến độ. Các điểm khoan giếng, nếu không đủ điều kiện thì tạm dừng chuyển sang làm mạng lưới cấp nước. Những hộ dân thụ hưởng chung giếng khoan phải bảo dưỡng để cùng sử dụng. Khi bàn giao giếng khoan cho người dân, địa phương phải thông tin rõ trách nhiệm cho các hộ dân quản lý, bảo dưỡng sử dụng...
24 công trình cấp nước và mở rộng mạng lưới cấp nước này sẽ được triển khai nhanh chóng, đưa vào sử dụng, phục vụ đồng bào trong thời gian sớm nhất./.