Ngày 15/1, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.
Theo đó, Đại học dự kiến tuyển 9.680 sinh viên dựa trên 3 phương thức: Phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 20% chỉ tiêu; Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy khoảng 40% chỉ tiêu; Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025 khoảng 40% chỉ tiêu.
Đối với phương thức xét tuyển tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (TSA) dành cho thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đạt ngưỡng điểm TSA do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.
Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025 với thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đạt ngưỡng điểm sàn do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ nguyên 10 tổ hợp xét tuyển và môn chính theo các năm trước bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28 và D29. Bên cạnh đó, bổ sung tổ hợp K01 bao gồm Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với một trong 4 môn: Lý, Hóa, Sinh, Tin có nhân hệ số.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 65 chương trình đào tạo, trong đó: 37 chương trình đại trà (chương trình chuẩn), 23 chương trình chất lượng cao-Elitech, 2 chương trình PFIEV, 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Trong đó, có một chương trình mới là Tiếng Trung Khoa học và Kỹ thuật.
Đối với môn Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội quy định: Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đăng ký xác thực trên hệ thống) có thể quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (tổ hợp A01, D01, D04, D07) và cộng điểm thưởng khi xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình FL1 (Tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ), FL3 (Tiếng Trung Khoa học và Kỹ thuật), ngoài các điều kiện cần thiết (theo các phương thức tuyển sinh), thí sinh cần có một trong những điều kiện về trình độ tiếng Anh hoặc Ngoại ngữ tương đương như sau: Có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trình độ B1 trở lên; có chứng chỉ IELTS (academic) đạt 5,0 trở lên hoặc tương đương; có điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 môn tiếng Anh đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bao gồm TROY-BA, TROY-IT, FL2 (Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế), ngoài các điều kiện cần thiết (theo các phương thức tuyển sinh), thí sinh cần có một trong những điều kiện về trình độ tiếng Anh như sau: Có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trình độ B2 trở lên; có chứng chỉ IELTS (academic) đạt 5.5 trở lên hoặc tương đương.
Trước đó, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2025; trong đó, dự kiến tuyển sinh 89 chương trình đào tạo, có 2 ngành, chương trình mở mới là: Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế.
Các phương thức tuyển sinh đại học chính quy gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025; Xét tuyển kết hợp.
Phương thức xét tuyển thẳng áp dụng với thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia; thí sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia.
Phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 áp dụng cho tất cả các mã tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân. Đại học Kinh tế quốc dân sử dụng 4 tổ hợp (A00, A01, D01, D07) và không có chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển.
Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng với tất cả các mã tuyển sinh năm 2025, dành cho ba nhóm đối tượng thí sinh: Nhóm 1 gồm các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT; Nhóm 2 gồm các thí sinh có điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội; điểm thi APT của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA; Nhóm 3 gồm các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.
Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến ngưỡng đầu vào là 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên và sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025. Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng đối tượng trong mỗi nhóm xét tuyển kết hợp.
Đại học Kinh tế Quốc dân không tổ chức sơ tuyển, không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của đơn vị. Thí sinh lưu ý cập nhật thông tin khi có thay đổi, điều chỉnh, hiệu đính của đề án và hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việt Hà