Luôn coi con người là trung tâm của mọi chính sách phát triển, trong suốt nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã không ngừng xây dựng và thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người toàn diện. Qua nhiều nỗ lực và bước tiến quan trọng, đất nước đạt được thành tựu nổi bật, thể hiện cam kết mạnh mẽ về quyền con người trên mọi lĩnh vực, hướng tới mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hoàn thiện pháp luật - nền tảng bảo vệ quyền con người
Pháp luật giữ vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì vậy, từ rất sớm, Nhà nước Việt Nam đã chú trọng xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người.
Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 21). Trên cơ sở đó, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là đoàn kết toàn dân, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giai cấp và con người. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm quyền con người. Quyền này được ghi nhận rõ nét trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959.
Thời kỳ này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Năm 1957, Việt Nam đã gia nhập 4 Công ước Genene thuộc Luật Nhân đạo quốc tế. Sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực tham gia và cam kết thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có 7/8 công ước cơ bản.
Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hoạt động lập hiến nhằm bảo vệ quyền con người tại Việt Nam. Văn kiện này tiếp tục khẳng định sự kế thừa từ các Hiến pháp trước đó, đồng thời bổ sung nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn, phù hợp với bối cảnh trong nước và chuẩn mực quốc tế.
Với 36 điều quy định trực tiếp về quyền con người trong tổng số 120 điều, Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý vững chắc để mọi công dân thực hiện và thụ hưởng các quyền của mình. Đồng thời, Hiến pháp nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong việc bảo vệ và đảm bảo quyền con người theo đúng tinh thần pháp luật.
Ngoài Hiến pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm bảo vệ quyền con người. Cụ thể, các bộ luật, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động và Luật Trẻ em đều chứa đựng các quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo mọi cá nhân được thụ hưởng và bảo vệ quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn sau 35 năm đổi mới xác định lấy “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới…; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.28). Đây là những định hướng quan trọng cho Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật và thực hiện bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới.
Quyền con người được bảo đảm toàn diện trong mọi lĩnh vực
Với những nỗ lực xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi mặt.
- Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực dân sự, chính trị
Các quyền dân sự và chính trị được đảm bảo thông qua việc triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Quyền sống được bảo vệ toàn diện thông qua các chương trình phát triển bền vững và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam đã ứng phó hiệu quả với thiên tai và dịch bệnh bằng các biện pháp cứu trợ khẩn cấp, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Điển hình như, trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi của người lao động, hộ nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. Chiến dịch tiêm chủng thần tốc, với hơn 265 triệu liều vaccine được tiêm, đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân và phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Hay mới đây nhất, việc ứng phó với thiên tai như bão số 3 -Yagi cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ quyền sống và tài sản của Nhân dân. Nhiều biện pháp khẩn cấp đã nhanh chóng được triển khai, như sơ tán hàng nghìn hộ dân khỏi vùng nguy hiểm và hỗ trợ tái thiết sau thiên tai... đã giúp người dân giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. Đặc biệt việc các cơ quan chức năng huy động lực lượng và nguồn lực để tái thiết làng Nủ - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 3, không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, mà còn chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của Nhân dân.
Đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc về bảo đảm quyền này trong Hiến pháp năm 2013, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Nhà nước tạo thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo.
Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu về quyền tự do tiếp cận internet, tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội. Theo Báo cáo tổng quan toàn cầu về kỹ thuật số 2024 (Digital 2024: Global Overview Report), tính đến tháng 1/2024 Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet tương đương 79,1% dân số. Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 884 cơ quan báo chí, trong đó có 137 báo, 675 tạp chí và 72 đài phát thanh - truyền hình.
- Bảo đảm quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hóa
Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được thực hiện một cách tích cực và đồng bộ trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu và chính sách quốc gia như giảm nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập; an sinh xã hội, quyền chăm sóc y tế; quyền học tập, giáo dục và quyền tham gia vào đời sống văn hóa…
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội đã được phát triển thành mạng lưới an sinh xã hội, mở rộng diện bao phủ đối tượng ngày càng sâu rộng. Điều này phản ánh rõ nét qua những chuyển biến tích cực ở các lĩnh vực quan trọng như bảo hiểm xã hội, hỗ trợ việc làm, trợ giúp xã hội và chính sách ưu đãi cho người có công. Cụ thể, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11, cả nước có có 94,633 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023; 19,699 triệu người tham gia BHXH tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản cũng không ngừng được cải thiện về chất lượng và quy mô. Các chính sách trợ cấp xã hội được triển khai đến các hộ nghèo, cận nghèo và người có công, theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 ước còn dưới 1,9%, (giảm trên 1%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%). Các chương trình hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở, và nước sạch đã tiếp cận hàng triệu người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở cho Nhân dân. Đây là một trong những trọng tâm về chính sách an sinh xã hội và chiến lược giảm nghèo bền vững. Chính sách này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành, qua đó đã giúp khoảng 340.000 hộ có công với cách mạng và hơn 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có chỗ ở ổn định, an toàn.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý III/2024, cả nước đã triển khai 622 dự án nhà ở xã hội với quy mô 565.177 căn, trong đó có 79 dự án hoàn thành với 42.414 căn.
Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như bảo vệ quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa của Nhân dân.
- Bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương
Vấn đề bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ đặc thù của Chính phủ.
Đối với trẻ em, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của trẻ em. Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, với Luật trẻ em (năm 2016) quy định rõ 25 nhóm quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ. Đặc biệt, các chương trình như “Chấm dứt bạo lực trẻ em” đã giúp xử lý hàng nghìn vụ xâm hại trẻ em, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ bị tổn thương. Theo kết quả điều tra năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 18%, tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đạt 99,7%, và tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào trung học cơ sở là 98,17%. Các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Phụ nữ là nhóm xã hội luôn được chú trọng trong các chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, thể hiện qua tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, con số cao nhất từ trước đến nay. Nữ giới chiếm 46,8% trong tổng số 50,6 triệu lao động trên 15 tuổi đang làm việc (năm 2022). Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình và chính sách nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ và tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện. Các mô hình câu lạc bộ và nhóm hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình cũng đã được thành lập ở nhiều địa phương, giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý. Những mô hình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp về một môi trường sống an toàn và bình đẳng cho phụ nữ, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình.
Người cao tuổi tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua các chính sách hỗ trợ toàn diện. Cả nước hiện có khoảng 2 triệu người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cùng hơn 14,6 triệu người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 86,1% tổng số người cao tuổi. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cấp tỉnh thành lập khoa lão khoa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng. Ngoài ra còn có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, các chương trình chăm sóc tại nhà và phục hồi chức năng giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Về phía người cao tuổi cũng tích cực tham gia vào các câu lạc bộ thể dục, văn hóa, góp phần duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.
Đối với người khuyết tật, trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục và việc làm cho người khuyết tật. Đến năm 2023, 95,7% người khuyết tật có bảo hiểm y tế, cao hơn tỷ lệ người không khuyết tật (92,5%); tỷ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 23,5% và tỷ lệ người khuyết tật có truy cập internet là 33,6%. Các chương trình hỗ trợ nghề nghiệp và ưu đãi đã giúp nhiều người khuyết tật có việc làm, tạo cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế và cộng đồng. Những con số này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi và cải thiện đời sống của người khuyết tật.
Việt Nam luôn chú trọng bảo vệ quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chính sách phát triển đặc thù. Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế, văn hóa và xã hội của các dân tộc thiểu số, đảm bảo họ được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, giáo dục và các chương trình phát triển kinh tế. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện đời sống vật chất mà còn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Các chương trình phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cùng với phát triển du lịch cộng đồng, đã giúp nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời bảo vệ quyền văn hóa và tinh thần của các cộng đồng dân tộc.
Việt Nam tham gia hiệu quả vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới
Không chỉ đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào công cuộc thúc đẩy quyền con người trên trường quốc tế, thể hiện qua nhiều hoạt động hợp tác, cam kết và những bước đi cụ thể.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong việc tham gia thúc đẩy quyền con người là Việt Nam đã sớm tham gia các công ước quốc tế về quyền con người và đã thực hiện các nghĩa vụ quốc tế này thông qua các biện pháp cải cách và thực thi pháp luật, tạo ra một môi trường pháp lý bảo vệ quyền lợi của người dân và bảo đảm tự do, dân chủ, quyền sống của mọi công dân.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đã nhiều lần tham gia vào các kỳ của Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR), trong đó khẳng định những thành tựu của mình trong việc bảo vệ quyền con người, đồng thời cam kết tiếp tục cải thiện, hoàn thiện các chính sách, pháp luật để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân.
Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025. Qua đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao uy tín đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đồng tác giả và bảo trợ nhiều nghị quyết tập trung vào quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử và xóa bỏ cấm vận đơn phương. Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia, hướng đến cách tiếp cận cân bằng và tiến bộ về các vấn đề nhân quyền còn khác biệt, như quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo lực với phụ nữ và bình đẳng giới.
Trong nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình thông qua việc thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu về bảo vệ quyền con người.
Có thể khẳng định, với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc trên hành trình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Không chỉ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nước, Việt Nam còn khẳng định vai trò quan trọng trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự công bằng, nhân đạo và tiến bộ toàn cầu. Với những định hướng chiến lược và sự đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam tiếp tục tiến bước trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Minh Duyên