Sóc Trăng quan tâm bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử

Sóc Trăng quan tâm bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 51 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và cấp quốc gia. Theo đó, địa phương có 37 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng, 10 loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 loại hình di tích lưu niệm danh nhân và 1 danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Hệ thống các di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đều thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống, kiến trúc độc đáo của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa.

Riêng trong năm 2022, Sóc Trăng công nhận 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh gồm: Chùa Giác Hương (thị xã Ngã Năm); Nhà Bia ghi danh liệt sĩ Giầy Lăng (thị xã Vĩnh Châu), đình thần Nguyễn Trung Trực (huyện Kế Sách).

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử. Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp đúng quy định, bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa.

Sóc Trăng quan tâm bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử ảnh 1Chánh điện chùa Som Rong ở phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Nhiều công trình, di tích được quan tâm bảo tồn tu bổ trên địa bàn tỉnh bằng ngân sách Trung ương như: Di tích Trường Taberd (300 triệu đồng), chùa Mahatup (chùa Dơi, 4 tỷ đồng), chùa Khleang (100 triệu đồng, thành phố Sóc Trăng); đình Hòa Tú (900 triệu đồng, huyện Mỹ Xuyên); Di tích cấp quốc gia Khu Căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng (25 tỷ đồng); Đền thờ Bác Hồ (25 tỷ đồng, huyện Cù Lao Dung); Tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm (18 tỷ đồng) và miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông (4,2 tỷ đồng, thị xã Ngã Năm)…

Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn thực hiện trùng tu nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ nguồn ngân sách của tỉnh và đóng góp của địa phương như: Di tích chứng tích chiến tranh – Địa điểm Mỹ Ngụy thảm sát thường dân (xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, 2 tỷ đồng); Di tích lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Thiều Văn Chỗi (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, 510 triệu đồng); di tích cấp tỉnh Thánh Thất Minh Tiên (Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, 300 triệu đồng); Di tích lưu niệm danh nhân Bác sĩ nông học Lương Định Của (huyện Long Phú, 3,5 tỷ đồng); Di tích Bia chiến thắng Bố Thảo (4,7 tỷ đồng); Di tích chùa Ô Chum (thị xã Ngã Năm, khoảng1,2 tỷ đồng); Di tích chùa Pô Thi Phđôk (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, trên 800 triệu đồng)…

Sóc Trăng quan tâm bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử ảnh 2Chùa Som Rong với điểm nhấn là Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ông Trần Minh Lý cho biết, giai đoạn 2020 – 2025, Sóc Trăng đã quy định định mức hỗ trợ đầu tư cho các di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách du lịch, theo đó có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được 2 tỷ đồng/di tích; 6 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được 1 tỷ đồng/di tích.

Thời gian tới, để công tác bảo tồn, tu bổ và phục hồi di sản văn hóa, lịch sử đạt kết quả tốt hơn nữa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại di tích để mọi người dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích lịch sử, văn hóa, từ đó có trách nhiệm tham gia trong công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý di tích; triển khai thực hiện công tác kiểm kê, quy hoạch, đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, gắn với bảo vệ môi trường; điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích văn hóa, lịch sử để đề nghị ngành văn hóa xét công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm thực hiện công tác xã hội hóa đóng góp đầu tư và tôn tạo để các di tích ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo ấn tượng với du khách thông qua các biện pháp tuyên truyền trong các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng tại các đình, chùa, hoặc các cuộc sinh hoạt tổ nhân dân tự quản tại địa phương

Theo ông Trần Minh Lý, riêng đối với công tác trùng tu, tôn tạo di tích, di sản phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá toàn diện, lập hồ sơ đầy đủ trước khi can thiệp vào di tích. Việc bảo tồn, trùng tu ưu tiên sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống, các quy trình kỹ thuật thi công truyền thống; việc sử dụng các vật liệu, kỹ thuật mới khi cần thiết phải có các giải pháp không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm, giá trị vốn có của di tích.

Mặt khác, Sóc Trăng còn tiếp tục triển khai, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử; kiện toàn hệ thống quản lý khu di tích theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, gắn kết chương trình phát triển du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử - địa lý của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh triển khai dự án phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa về nguồn; phục dựng mô hình các trận đánh lịch sử; cải tạo mở rộng các tuyến giao thông đến các điểm, khu di tích…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm